Doanh nghiệp Hữu Lũng gồng mình vượt khó
LSO-Theo số liệu do Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hữu Lũng cung cấp, trong tháng 10/2012, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tính theo giá thực tế của 90 doanh nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 23 tỷ đồng, tăng so với tháng trước đó gần 2 tỷ đồng; lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng/2012 trên địa bàn huyện đạt 187 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch năm. Còn theo số liệu của Chi cục Thuế huyện Hữu Lũng, hết 9 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp địa phương trên địa bàn có phát sinh thuế chỉ đạt khoảng 20%, và nguồn thu ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách huyện mới đạt gần 700 triệu đồng, bằng 17% kế hoạch tỉnh, huyện giao và bằng 33% so với cùng kỳ 2011. Như vậy tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Mỏ đá Đạt Anh, xã Yên Vượng (Hữu Lũng) vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụNăm 2012, Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ của huyện Hữu Lũng có...
Năm 2012, Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ của huyện Hữu Lũng có 6 doanh nghiệp hoạt động, đến tháng 10/2012 có 2 doanh nghiệp phải giải thể và bán doanh nghiệp do hoạt động sản xuất đình đốn. Ông Nguyễn Minh Quân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Gia Long-LQ một thành viên của câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ huyện Hữu Lũng cho biết, trong năm 2012, do ảnh hưởng từ cơ chế chính sách chung, hoạt động xây dựng trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trên địa bàn giảm sút mạnh đã tác động trực tiếp tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Do đó, một số doanh nghiệp tại Hữu Lũng bị giải thể và phải bán doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Từ thực tế môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh cạnh tranh rất khốc liệt, khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Hữu Lũng đã phải cơ cấu lại lĩnh vực hoạt động cũng như nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động và tìm kiếm cơ hội phát triển. Ông Vũ Tiến Thiều, Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng X78 chia sẻ, việc tiêu thụ sản phẩm của công ty hoàn toàn phụ thuộc vào sự đầu tư phát triển của ngành xây dựng. Thực tế từ năm 2011 đến nay, lượng hàng vật liệu xây dựng tồn kho của nhiều doanh nghiệp Hữu Lũng là rất lớn nhất là sản phẩm đá xây dựng và xi măng. Bản thân Công ty xi măng 78 cũng nằm trong số đó. Do vậy bước vào quý III/2012, doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động, tìm kiếm các đơn hàng, việc làm mới, đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm … Nhờ đó, hoạt động sản xuất của đơn vị tiếp tục được duy trì, hàng tồn kho đã giảm. Trong tháng 10/2012, Công ty đã sản xuất được 4.500 tấn xi măng, tăng khoảng 2.000 tấn so với tháng 9. Bên cạnh đó, để giảm thiểu những rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp của Hữu Lũng cũng đẩy mạnh chia sẻ, kết nối thông tin nhiều chiều và thường xuyên với nhau về các khách hàng truyền thống và khách hàng mới. Ông Trần Đức Minh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng Hữu Lũng cho biết, huyện nắm rất rõ những khó khăn của doanh nghiệp nhất là đối với các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Do vậy huyện thường xuyên nắm bắt thông tin và tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, từng bước vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể là các giải pháp như: đẩy mạnh chương trình phát triển giao thông nông thôn, ưu tiên các công trình dự án xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước sử dụng vật liệu xây dựng do các doanh nghiệp trong huyện sản xuất; kiến nghị với các ngành chức năng thực hiện kịp thời các cơ chế chính sách giãn giảm thuế cho đơn vị sản xuất và đề xuất với các tổ chức tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Công Quân
Ý kiến ()