Có lẽ chưa bao giờ như bây giờ, từ cây kim, sợi chỉ, mỹ phẩm, thuốc tây, bột ngọt, tiền, vàng đến con tem dùng để chống hàng giả cũng bị làm giả. Khoảng 60% hàng giả đang lưu thông trên thị trường nước ta hiện nay được nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó nhiều mặt hàng Việt có thương hiệu. Nhằm bảo vệ thương hiệu, chống thất thu do sản phẩm bị làm giả, nhái, nhiều doanh nghiệp đã bỏ hàng tỷ đồng mỗi năm để chống, nhưng những cố gắng này cũng chỉ như “chắn nước đầu nguồn”…
Hàng giả tiến công
Lâu nay, việc gian lận tuổi vàng diễn ra phổ biến nhưng người tiêu dùng và các cơ quan chức năng chưa “bắt tận tay” các đối tượng ăn gian tuổi vàng. Ngày 25 và 26-8 vừa qua, lần đầu tiên thị trường vàng rung động vì sản phẩm vàng có uy tín SJC bị làm giả được phát hiện quả tang. Ông Đỗ Công Chính, Phó Giám đốc Công ty Vàng Bạc SJC cho biết, đây là lần đầu tiên việc làm vàng miếng giả hiệu SJC qua hình thức gian lận tuổi vàng (dùng vàng 9,5 – 9,7 tuổi thay cho vàng 10 tuổi) được phát hiện. Để chống hàng giả, Công ty SJC buộc phải chi hàng trăm triệu đồng để thiết kế mới cho bao bì, dự kiến đầu tháng 9-2010 vàng SJC loại một lượng với bao bì hiện đại, có các chi tiết đặc biệt để chống làm giả được bán trên thị trường. Ngoài đổi mới khuôn mẫu, SJC đã gửi các thông tin về cách phân biệt vàng thật với vàng giả đến mạng lưới kinh doanh trên cả nước.
Sữa tắm Wihte Care do Công ty Toàn Thành nhập khẩu và độc quyền phân phối nhưng hàng giả trên thị trường xuất hiện khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Kim Lệ, Giám đốc Công ty Toàn Thành cho biết, hàng giả giá rẻ hơn khoảng một nửa hàng thật, hàng giả dán cả tem chống hàng giả, thậm chí còn dán cả hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng để tránh nhầm hàng giả. Hiện tại, Công ty Toàn Thành tự phát hiện hơn 10 cơ sở kinh doanh hàng giả, nhái sản phẩm Wihte Care chính hãng.
Thời gian gần đây, tình trạng máy tính casio giả, nhái sản phẩm chính hiệu tiếp tục bày bán công khai tại một số nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm, tiệm đồng hồ, mắt kính trên khắp cả nước và dán cả tem giả của chính hãng. Năm 2009, Công ty CP XNK Bình Tây (nhà phân phối máy tính Casio của Nhật Bản) thống kê đã phát hiện 179 vụ kinh doanh máy casio giả, nhái nhãn hiệu sản phẩm chính hãng, tịch thu 8.363 máy, phạt hành chính hơn 130 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chống hàng giả cũng đã phát hiện 33 vụ vi phạm, tịch thu 1.787 máy tính Casio giả.
Trường hợp sản phẩm ống nhựa chịu nhiệt DEKKO 25 của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại VIWA (thuộc Cty TNHH Phúc Hà) cũng là một thí dụ điển hình. DEKKO 25 với những tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng chủng loại nên được các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, đóng tàu biển cả nước sử dụng để dẫn nước sinh hoạt, làm dung dịch dinh dưỡng, thực phẩm hay hóa chất. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhà sản xuất đã phát hiện có cơ sở đã làm nhái kiểu dáng công nghiệp, phụ kiện của DEKKO 25. Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Cty TNHH Phúc Hà cho biết: “Cẩn thận ngay từ khi mới ra, chúng tôi đã đăng ký bằng kiểu dáng công nghiệp độc quyền cho các sản phẩm của mình nhưng vẫn không tránh khỏi bị làm nhái”.
Tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ hàng sản xuất trong nước mà các loại hàng hiệu nhập khẩu như hàng thời trang Vuitton, đồng hồ Chanel, giày dép Piere Cardin, rượu XO… là hàng giả bày bán công khai trong các trung tâm thương mại kinh doanh hàng cao cấp và có giá rẻ hơn 4-5 lần giá của hàng chính hãng. Tại TP Hồ Chí Minh, theo ước tính của cơ quan QLTT thành phố, rượu giả tiêu thụ mỗi tháng khoảng 100 nghìn chai và ba phần tư số đó là ở các vũ trường, nhà hàng.
Nạn kinh doanh, sản xuất hàng giả ngày càng biến tướng trên thị trường và rất khó kiểm soát. Năm 2008, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý 2.766 vụ hàng giả, trong đó giả nhãn hiệu chiếm 2.268; năm 2009 gần 3.000 vụ hàng giả được phát hiện và xử lý. Trong tám tháng đầu năm 2010, tại TP Hồ Chí Minh lực lượng QLTT thành phố đã phát hiện hơn 500 vụ vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, tăng hơn 100 vụ so với cùng kỳ năm 2009.
Doanh nghiệp phải tự chống hàng giả
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa kém phẩm chất, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng. Hiện nay, phương thức, thủ đoạn vận chuyển hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn, hoạt động có đường dây, có tổ chức và các đối tượng phạm pháp chống đối quyết liệt khi các cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.
Tổng Công ty May Việt Tiến sau nhiều phương án chống hàng giả, nhái nhãn hiệu quần áo may sẵn, hiện chỉ còn cách đăng báo, phát tờ rơi hướng dẫn người tiêu dùng đến những điểm bán hàng chính hãng và cách phân biệt hàng thật, hàng giả.
Đây là cách làm đỡ tốn kém và hiệu quả nhất hiện nay.
Ông Phan Văn Liêm, phụ trách nhãn hiệu hàng hóa Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) bức xúc, doanh nghiệp tự chống hàng giả như cảnh người ta “đắp nước đầu nguồn”, vì càng đắp nước càng chảy. Để loại trừ hàng giả, chúng tôi cùng với Hãng Casio sản xuất một loại tem chống giả công nghệ cao hoàn toàn mới nhằm thay thế cho tem chống giả trước đây được sản xuất tại Đức với năm đặc điểm khác biệt để giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả. Tất cả máy tính Casio do BITEX phân phối trên thị trường đều có dán tem chống giả của chính hãng. Để bảo đảm mua đúng hàng thật, người tiêu dùng nên chú ý kiểm tra các đặc điểm của tem chống giả dán trên máy. Máy tính Casio không dán tem hoặc dán các loại tem chống giả khác thì không phải hàng thật. Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng và nâng cao trách nhiệm của người bán, người tiêu dùng khi mua máy tính Casio, nên yêu cầu người bán điền đầy đủ thông tin và đóng dấu của cửa hàng, đại lý vào phiếu bảo hành hoặc người bán hàng ký tên, ghi rõ họ tên. Theo ông Liêm, không tính thiệt hại về giảm uy tín của thương hiệu, chỉ riêng số kinh phí doanh nghiệp bỏ ra để nhân viên làm công tác chống hàng giả hằng năm đã tốn không dưới vài trăm triệu đồng.
Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến xuất phát từ ba nguyên nhân: sản xuất hàng giả thu lợi cao; trình độ công nghệ phát triển khiến cho hàng thật và hàng giả giống nhau rất khó phân biệt; công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo. Hàng giả nhiều và ngày càng gia tăng là do nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ chưa cao, người tiêu dùng Việt Nam chưa có ý thức đấu tranh chống hàng giả, ngại va chạm và tiếp xúc với cơ quan bảo vệ pháp luật. Rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ do vậy họ không đăng ký và xác lập quyền sở hữu cho hàng hóa của mình, đã tạo điều kiện cho đối tượng làm hàng giả lợi dụng. Khi hàng hóa bị làm giả, các doanh nghiệp chưa chủ động đấu tranh chống hàng giả, thiếu các biện pháp thông báo, tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng. Đặc biệt, khoa học công nghệ ngày nay phát triển, các đối tượng buôn lậu đã dùng thủ đoạn tinh vi trong việc sản xuất, in nhãn mác, bao bì bằng công nghệ cao khó phát hiện, điều tra, xử lý hàng giả là không dễ cho các cơ quan chức năng. Vì vậy, muốn chống hàng giả, doanh nghiệp tự làm là không hiệu quả mà cần có sự nỗ lực của toàn cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó những định chế của luật pháp phải được ban hành sát với thực tế, chi tiết cho từng hành vi vi phạm và được thực thi bởi một lực lượng chống hàng giả đủ mạnh.
Ý kiến ()