Doanh nghiệp hưởng ứng, người dân hài lòng
LSO-Trong 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, cộng đồng doanh nghiệp Lạng Sơn đã luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những hoạt động đó đã giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với những hàng hóa nội địa có chất lượng và giá cả phù hợp.
Người dân chọn mua hàng tại Hội chợ thương mại Lạng Sơn năm 2014 |
Để ổn định giá cả thị trường vào các dịp lễ tết và người dân được sử dụng những mặt hàng nội địa đảm bảo chất lượng, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn Lạng Sơn thường xuyên đăng ký tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường. Trong dịp Tết Nguyên đán 4 năm vừa qua, đã có 7 doanh nghiệp được tỉnh chọn hỗ trợ thực hiện bình ổn giá với tổng số vốn là 81 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia tích trữ hàng hóa theo đăng ký và phân phối theo đúng giá niêm yết. Trong đó có các doanh nghiệp rất tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: như Công ty Cổ phần Thành Đô. Với mục tiêu chính là phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, công ty đã liên tục mở rộng mạng lưới phân phối. Hiện tại, công ty có hệ thống kho, bãi và đại lý bán buôn, bán lẻ tại 11/11 huyện, thành phố với 95% hàng hóa phân phối là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Cùng với Công ty Cổ phần Thành Đô là Doanh nghiệp Tư nhân Trần Lệnh Thương, là đơn vị cung cấp gần như 100% mặt hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước, khoảng 50.000 mặt hàng. Hiện tại đơn vị có 45 đại lý, trên 600 điểm bán lẻ tại 11 huyện, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Cùng với việc tham gia bình ổn và cung ứng hàng Việt vào các đợt cao điểm, để tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các mặt hàng trong nước phong phú về chủng loại, có chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội, các doanh nghiệp đã tích cực phối hợp cùng các huyện, thành phố, các sở, ban ngành tổ chức 28 hội chợ tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 1.855 lượt doanh nghiệp tham gia, khoảng 2.600 gian hàng phục vụ, thu hút trên 320.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, doanh nghiệp đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện. Qua đó, đã có 240 doanh nghiệp tham gia với 342 gian hàng, thu hút hơn 36.500 lượt người đến tham quan, mua sắm và đạt doanh số bán xấp xỉ 7 tỷ đồng.
Những kết quả trên đã cho thấy sự nhiệt tình hưởng ứng của doanh nghiệp và sự quan tâm, hài lòng của người dân đối với hàng Việt. Sự nhiệt tình của các doanh nghiệp vừa đem lại lợi ích cho người tiêu dùng vừa đưa lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp. Ngoài việc đảm bảo được doanh số bán cũng như lợi nhuận, doanh nghiệp còn có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thành Đô cho biết: Qua những chương trình hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công ty đã phần nào hiểu được thị hiếu tiêu dùng hàng Việt của người dân, nhất là các vùng nông thôn. Theo như nhận định của Ban lãnh đạo công ty, hiện nay đa phần người dân khi lựa chọn mua sắm hàng hóa đều ưu tiên hàng sản xuất trong nước. Nếu như cùng một mặt hàng có chức năng, mục đích sử dụng như nhau thì người dân luôn ưu tiên dùng hàng nội địa, kể cả giá có sự chênh lệch cao, thấp. Chính vì vậy, công ty đã và đang tiếp tục thực hiện chiến lược nhập và phân phối hàng hóa chính là hàng sản xuất trong nước rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về chất lượng và giá cả.
Những kênh phân phối hàng Việt của các doanh nghiệp đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vùng nông thôn được tiêu dùng hàng hóa có chất lượng và giá cả phù hợp. Anh Hoàng Mạnh Hùng, tại Tiểu khu Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: cách đây khoảng 4 năm, trên địa bàn huyện chủ yếu là hàng Trung Quốc”, các mặt hàng tiêu dùng mà gia đình mua sắm có đến trên 60% là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau nhiều hội chợ và phiên chợ hàng Việt được tổ chức, các đại lý bán hàng nội địa đã được mở, trong đó tiêu biểu là siêu thị Thành Đô, hàng nội địa bây giờ đã chiếm đa số trên thị trường huyện. Để yên tâm tiêu dùng, gia đình anh luôn lựa chọn hàng nội địa khi mua sắm.
Là người thường xuyên gắn với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: từ doanh số bán và lượng người đến tham quan, mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt cho thấy người dân đã thực sự tin dùng hàng Việt. Bên cạnh đó là nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc phân phối hàng Việt, quan tâm hơn đến lượng khách hàng lớn tại vùng nông thôn. Qua đó từng bước khẳng định thương hiệu Việt và sự hài lòng của người dân. Điều này góp phần vào sự thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 5 năm thực hiện.
ANH DŨNG
Ý kiến ()