Doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau suy giảm
LSO-Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 1.530 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn kinh doanh ước đạt trên 8.250 tỷ đồng.
LSO-Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 1.530 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn kinh doanh ước đạt trên 8.250 tỷ đồng. Qua khảo sát, một điều đáng mừng là hiện vẫn còn 1.320 doanh nghiệp hoạt động, đạt 85% tổng số doanh nghiệp đăng ký, trong số đó có 15% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 42% duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Con số này đã và đang đánh dấu sự trở lại của khối doanh nghiệp Lạng Sơn sau một thời gian gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế biến động.
Công ty kim loại màu Bắc Bộ đã trở lại hoạt động hiệu quả trong năm 2013 |
Trao đổi về nguyên nhân giúp các doanh nghiệp hồi phục, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho biết: với các chính sách ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp từ phía Chính phủ và với những kinh nghiệm ứng phó khó khăn thời gian qua, nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Lạng Sơn nói riêng đã có thêm động lực, sự tự tin để vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển bền vững.
Năm 2012 có thể coi là năm “cận đáy” của sự khủng hoảng về kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Lạng Sơn. Về cơ bản, do quy mô nhỏ nên sự tác động của nền kinh tế thế giới không ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Lạng Sơn. Chính vì thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn kiểm soát được hoạt động của mình. Sau khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, đặc biệt là có sự vào cuộc, điều tiết một cách tích cực của Chính phủ thì các doanh nghiệp Lạng Sơn đã hoạt động trở lại.
Nguyên nhân nữa giúp các doanh nghiệp Lạng Sơn hồi phục là công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Lạng Sơn ngày càng được chú trọng, đặc biệt là việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài PDI, ODA… Theo số liệu thống kê, thời gian qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư 470,2 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn đầu tư tăng thêm 291,2 tỷ đồng; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của 6 dự án. Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 224,5 triệu USD. Trong đó, 17 dự án hoạt động ổn định, 1 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, 7 dự án đang tạm ngừng hoạt động, 3 dự án gặp khó khăn vướng mắc. Ngoài ra, năm 2013, môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng được cải thiện đáng kể, theo ông Hải, có được điều này là nhờ Chính phủ đã kịp thời điều chính giảm thuế, đặc biệt là áp lại trần lãi suất cho vay tín dụng, chính điều này đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh tiếp cận được nguồn vốn vay, qua đó có cơ hội để hoạt động trở lại.
Có thể nói rằng, công tác xúc tiến đầu tư hoạt động ổn định, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: giảm lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, miễn, giảm và giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây chính là “gam màu sáng” nhất giúp các doanh nghiệp của Lạng Sơn có sự trở lại một cách ngoạn mục. Đến thời điểm này có thể đánh giá một cách khách quan rằng: tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ đầu năm 2011, 2012 đã hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp chủ động mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề, loại hình dịch vụ. Việc hoạt động trở lại của các doanh nghiệp trên địa bàn trong năm 2013 đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 25.500 lao động trên địa bàn với mức thu nhập bình quân là 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sự trở lại của khối doanh nghiệp Lạng Sơn đã góp thêm cho ngân sách Nhà nước 350 tỷ đồng (tiền thuế).
Dấu ấn của năm 2013 để lại đã khá rõ nét, tuy nhiên, sự trở lại này của khối doanh nghiệp Lạng Sơn thật sự bền vững và lâu dài thì tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều việc cần làm. Trong đó có những bất cập về nợ xấu, cũng như những khó khăn của thị trường bất động sản. Điều này đòi hỏi tỉnh tiếp tục tìm và tạo cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút nguồn lực để đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển khu kinh tế động lực này của tỉnh. Có như vậy, hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới thực sự vững và bền.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()