Doanh nghiệp gỗ đối mặt với việc chậm, hoãn các đơn hàng xuất khẩu
Trước dịch bệnh Covid-19 nhiều doanh nghiệp gỗ đối mặt với tình trạng chậm hoãn các đơn hàng xuất khẩu.
Xuất khẩu gỗ giảm mạnh trong ba tháng tới
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ giảm mạnh trong 3 tháng tới, nhất là tại năm thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch.
Những thị trường này chiếm gần 90% thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8%, Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%. Các đối tác tại các thị trường này đã và đang thông báo tới các nhà cung cấp tại Việt Nam giãn thời gian mua hàng, dừng mua hàng hoặc trả chậm.
Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, gần như tất cả nhà máy ở Đồng Nai đã được các nhà mua hàng lớn thông báo hủy bớt đơn đặt hàng, hoãn việc xuất hàng do họ phải đóng cửa hệ thống cửa hàng và trung tâm phân phối.
Theo ông Lê Xuân Quân, khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng đã đề phòng vấn đề này, nhưng không lường được thị trường diễn biến quá nhanh như vậy. Các nhà nhập khẩu không bán được hàng nên sức mua giảm và có đề xuất xuất chậm, để hàng ở kho.
Trước đó, công nhân của các doanh nghiệp vẫn làm tăng ca bình thường, nhưng từ hôm nay đã giảm giờ làm việc. Một số nhà máy còn cho công nhân tạm nghỉ.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm công suất, cố gắng đàm phán khách hàng vẫn sản xuất và đưa hàng về kho.
Ngành gỗ đối mặt với tăng trưởng chậm
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hết tháng 2-2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,578 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,137 tỷ USD, tăng 13,9%. Hai tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc tăng, nhưng lại có xu giảm tại các thị trường: Anh (-13%), Hàn Quốc (-6%), Hàn Lan (-23%), Úc (-13%),… Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm 2020 giảm gồm: dăm gỗ giảm 3%, giá giảm 2 – 3 USD/tấn; gỗ dán và các loại ván nhân tạo xuất khẩu giảm 15%; gỗ xẻ xuất khẩu giảm 32%.
Ở chiều ngược lại, hai tháng đầu năm 2020 nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 329,8 triệu USD, giảm 11,1% so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu gỗ tròn giảm 49%; gỗ xẻ nhập khẩu giảm 45%; các loại ván nhân tạo chủ yếu được nhập từ Trung Quốc giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ các thị trường trọng điểm giảm: Malaysia giảm 28%; Brazil giảm 27%; Chile giảm 37%; Đức giảm 42%; Pháp giảm 9%. Việc nhập khẩu gỗ giảm do nguồn cung trong nước tăng, dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp thận trọng trong việc nhập nguyên liệu do sợ xuất khẩu gặp khó khăn.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định: Các thị trường trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, … hiện dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng nhận hàng, phân phối và tiêu thụ đồ gỗ tại các thị trường này. Một số khách hàng đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự kiến để ký đơn hàng mới sẽ chậm từ 3 – 6 tháng do lo ngại dịch bệnh, khách hàng chưa sang.
Về gỗ nguyên liệu, do khó khăn về logistic, container và tàu biển vận chuyển, đẩy giá bán nguyên liệu tăng lên từ 2 – 3 USD/m3. Một số nguyên liệu đang thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu đầu vào do gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, hiện chưa tìm được thị trường khác thay thế.
Dăm gỗ, viên nén nguyên liệu mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu gần 20% đang bị ảnh hưởng nặng do bệnh dịch tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc làm hành trình tàu vận chuyển kéo dài hơn một tháng so với trước đây vì thắt chặt kiểm soát dịch bệnh ở cả cảng xuất và cảng nhập; tàu hàng chậm trễ nhận hàng làm tăng chi phí lưu kho bãi, tăng chi phí tài chính – vốn vay. Mặt khác, nhu cầu các thị trường dăm gỗ giảm làm giảm giá 5 – 6 USD/tấn dăm khô, dự báo giá dăm gỗ tiếp tục giảm 3 – 4 USD/tấn khô trong thời gian tới; người trồng rừng dừng khai thác gỗ nguyên liệu làm gián đoạn nguồn cung ứng gỗ cho cả ngành dăm và ngành chế biến đồ gỗ…
“Mặc dù giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hai tháng đầu năm 2020 tăng, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng tới, giá trị xuất khẩu chung của ngành sẽ giảm đáng kể do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng xuất khẩu có sự biến động mạnh”, ông Ngô Sỹ Hoài nói.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài kiến nghị các cơ quan chức năng giảm thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống còn 0% đến hết năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm ảnh hưởng dây chuyền tới doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng. Đối với mặt hàng gỗ xẻ xuất khẩu hiện nay đang áp thuế 25%, đề nghị giảm xuống 0% trong năm 2020. Đồng thời kiến nghị trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3 – 6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn….
Ý kiến ()