Doanh nghiệp gỗ đối diện rủi ro khi làm hàng xuất khẩu
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 4.000 doanh nghiệp (DN) chế biến và kinh doanh lâm sản. Trong đó, có 3.000 DN trực tiếp tham gia vào khâu chế biến, còn lại là các DN chuyên về kinh doanh thương mại đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 nghìn người lao động cùng với hàng triệu nông dân trồng rừng, các làng nghề truyền thống…
Nếu năm 2004, ngành gỗ mới tham gia câu lạc bộ xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 6,2 tỷ USD và năm 2015 tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 2,64 tỷ USD (chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu), EU đạt 739 triệu USD, Ô-xtrây-li-a đạt 157,3 triệu USD…, trở thành một trong sáu ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: TPP, EU – Việt Nam… đã giúp ngành gỗ có điều kiện mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nhưng bên cạnh đó cũng phải đối diện với không ít rủi ro trước những yêu cầu khắt khe đến từ những đối tác, thị trường trong việc quy định về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu, quy chế hoạt động, điều chỉnh thông tin thị trường, các rủi ro về lao động, môi trường,…
Thống kê các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời gian qua cho thấy, hiện tồn tại một số rủi ro liên quan tới tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu được sử dụng trong một số sản phẩm. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1.800 m3 gỗ tròn là gỗ căm xe, giá trị gần 1,2 triệu USD và 3.000 m3 gỗ xẻ là gỗ căm xe, tương đương giá trị 2 triệu USD, thế nhưng, đây là gỗ được nhập khẩu từ Cam-pu-chia và Lào và được khai thác từ những diện tích rừng chuyển đổi (sang cây công nghiệp) hoặc từ các dự án cơ sở hạ tầng như thủy điện, làm đường,…
Quá trình xin phép và thực hiện các dự án này thường liên quan đến một số vấn đề làm cho tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt Nam có rất nhiều tranh cãi. Các DN của Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ căm xe sang Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với rủi ro bởi Đạo luật Lacey quy định các hành vi vi phạm về thủ tục khai thác, cấp phép được coi là các hành vi bất hợp pháp.
Tương tự, tại EU, các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu vào thị trường này như bàn, tủ, kệ, giường,… được làm từ gỗ nguyên liệu chính bao gồm keo, tràm (nội địa), thông, sồi (nhập khẩu) nhưng một số sản phẩm xuất khẩu chưa khai tên gỗ; hay đối với sản phẩm nội thất phòng ngủ được làm từ gỗ nguyên liệu chính được sử dụng bao gồm thông, sồi (nhập khẩu), keo tràm, cao-su (rừng tự nhiên). Hiện khung pháp lý của Việt Nam đối với gỗ cao-su có nguồn gốc từ các khu vực rừng tự nhiên chuyển đổi chưa rõ ràng,… khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nguy cơ vi phạm các quy định gỗ của châu Âu (EUTR), mà cụ thể là những đòi hỏi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật liên quan nguồn gốc gỗ hợp pháp theo chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Tiếp đến là những rủi ro khi sử dụng người lao động chưa đến tuổi lao động; không nắm bắt được thông tin hoặc thiếu thông tin về thị trường; các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; yêu cầu về tuân thủ lao động và môi trường; biến động tỷ giá…
Đánh giá về vấn đề trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Nguyễn Tôn Quyền khẳng định, việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới sẽ không có nhiều tác động các DN, nhất là về thuế. Từ trước đến nay, các DN vẫn chấp hành tương đối tốt các quy định của các thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… và bằng chứng cụ thể là hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và khả năng đạt mốc 10 đến 11 tỷ USD ở thời gian không xa.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập như chi phí đầu vào, chi phí vận tải và chi phí nhân công đang ngày càng tăng cao. Mặc dù nguồn gỗ trồng trong nước nhiều nhưng gỗ đáp ứng làm hàng xuất khẩu lại rất hạn chế, vì thế nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc chủ yếu nhập khẩu (hằng năm nhập khẩu gần 5 triệu m3 gỗ quy tròn, chiếm hơn 1,7 tỷ USD, từ 70 đến 90 quốc gia với 150 đến 160 loại gỗ) khiến chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. “Mặc dù chúng ta xuất khẩu gần 7 tỷ USD trong năm 2015 nhưng đến nay sức cạnh tranh của các DN rất yếu, năng suất lao động thấp, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, mẫu mã của nước ngoài cung cấp mà chưa có thiết kế, mẫu mã, nhãn hiệu riêng mang thương hiệu của Việt Nam”, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết.
Để giảm rủi ro và đẩy mạnh xuất khẩu gỗ trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, các DN chế biến và xuất khẩu gỗ cần chủ động tham gia thị trường, tìm kiếm và tiếp cận thông tin, nhất là các quy định liên quan các yêu cầu mới của thị trường. Các tổ chức đại diện cho DN và các Hiệp hội gỗ cần cung cấp thông tin, định hướng thị trường, đưa ra cảnh báo sớm về các rủi ro DN.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN thông qua các hoạt động nâng cao tay nghề, tăng chất lượng lao động cập nhật thông tin và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong chế biến và hệ thống quản lý hiện đại; có chiến lược khuyến khích chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh theo hướng tạo sản phẩm có hàm lượng lao động chất lượng cao, công nghệ chế biến hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến… nhằm tạo đòn bẩy để ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()