Doanh nghiệp FDI tin tưởng vào môi trường kinh doanh 'bình thường mới'
Khối FDI cho rằng để kinh doanh, đầu tư thuận lợi cũng như duy trì, phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thì môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý hóa là vô cùng quan trọng.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên diễn ra ngày 21/2, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đánh giá cao các biện pháp phòng, chống COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp của Chính phủ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại cho biết lạc quan và tin tưởng vào môi trường thương mại, đầu tư “bình thường mới” của Việt Nam.
Niềm tin đầu tư tại Việt Nam
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết hơn 1.200 thành viên của EuroCham đều đưa ra những tín hiệu lạc quan, thể hiện qua Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham (BCI), đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022.
Năm 2021 cũng đánh dấu tròn một năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và loại bỏ gần như 99% các dòng thuế. Do đó, ngay cả trong thời điểm xảy ra đại dịch trên quy mô toàn cầu, EVFTA vẫn hiện thực hóa được các kỳ vọng của hai bên.
Cũng theo ông Alain Cany, trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD.
“Giờ đây, khi virus COVID-19 đã dần được kiểm soát, với EVFTA có hiệu lực và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư) sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh. Do đó, EuroCham hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành, sửa đổi và đơn giản hóa một số quy định để phù hợp với các điều khoản của EVFTA,” ông Alain Cany nói.
Đại diện cho hơn 650 doanh nghiệp và 2.500 cá nhân, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng chia sẻ các thành viên của hiệp hội lạc quan về triển vọng mở cửa trở lại và phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá cao các quyết định gần đây của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến nghị cần có thêm các động thái bổ sung để giảm bớt gánh nặng cho việc đi lại quốc tế của cả người nước ngoài và công dân Việt Nam. Cụ thể, các thủ tục hợp lý cần được xử lý nhanh gọn hơn cho các giám đốc điều hành, các nhà đầu tư mới và các nhóm hỗ trợ kỹ thuật, từ đó các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và tạo điều kiện mở rộng và đầu tư mới,” ông John Rockhold kiến nghị.
Ngoài ra, ông John Rockhold cũng cho rằng yếu tố quan trọng nhất để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cũng như duy trì, phát triển chuỗi cung ứng sản xuất là môi trường pháp lý phải công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý hóa, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng đầu tư nước ngoài đã có trước đó.
Cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền
Đồng tình với quan điểm trên, ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng chính sách “sống chung với COVID-19” sẽ được tiếp tục triển khai và cải tiến để đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ông Inoue Soichi đề xuất Chính phủ vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi. Cụ thể, Chính phủ quản lý linh hoạt các khoản cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong nước tại Việt Nam (như cho vay lãi suất thấp, miễn thuế doanh nghiệp, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty startup) đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng cũng như các cơ quan thuế, hải quan trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, ông Nitin Kapoor, Thành viên Ban Lãnh đạo, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) cũng cho rằng Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và hành động của các nước khác để tối đa hóa hiệu quả cũng như tốc độ phục hồi, đảm bảo đất nước không bị tụt hậu khi mở cửa lại nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Theo đại diện của BritCham, thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho năm 2022 và tương lai trung hạn.
Ông Nitin Kapoor chỉ ra thực tế các công ty bắt đầu chu kỳ vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nhiều người dân đang giữ lượng tiền mặt lớn trong 2 năm qua hoặc sẵn sàng đi vay nhiều hơn để đầu tư dựa trên khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
“Hiện nay, một số tổ chức ngân hàng của Anh đã hoạt động tích cực trên thị trường FDI và khả năng các ngân hàng nước ngoài có thể cho vay hiệu quả đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam là điều cần thiết để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của tất cả các hiệp định thương mại tự do đã hiệu lực và đang đàm phán,” ông Nitin Kapoor nói.
Từ đó, người đứng đầu BritCham để xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty, với giới hạn cho vay lớn hơn mức họ đã đưa ra trước đây.
“Tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu các doanh nghiệp có khả năng thực hiện các kế hoạch của mình và không bị kìm hãm bởi tính thanh khoản hạn chế do số lượng và thời hạn cho vay không linh hoạt,” ông Nitin Kapoor nhấn mạnh./.
Ý kiến ()