Doanh nghiệp FAST500 ở Hải Dương
Trong 500 doanh nghiệp lọt danh sách FAST500 (tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam) năm 2024, tỉnh Hải Dương có 6 doanh nghiệp.
Tầm nhìn, chiến lược nhất quán
Công ty CP Xây dựng 1369 (TP Hải Dương) là cái tên không xa lạ trong danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500). Đây là năm thứ 5 liên tiếp (2020-2024), doanh nghiệp này được vinh danh trong nhóm FAST500.
Từ năm 2019 đến nay, sau hơn 5 năm tái cấu trúc, hệ sinh thái của 1369 dần hình thành với 4 công ty con, 2 công ty liên kết cùng mạng lưới chi nhánh, văn phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Hà Nội, Quảng Bình, Sơn La... với hơn 400 cán bộ, công nhân viên. Công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực là xây dựng, thương mại, xuất nhập khẩu, kinh doanh bất động sản dân cư và bất động sản công nghiệp.
Từ 100 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2016, hết năm 2023, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng gấp 6 lần. Trong giai đoạn 2020-2023, các chỉ tiêu phát triển ngành xây dựng, bất động sản, thương mại của doanh nghiệp luôn tăng trưởng, đặc biệt là doanh thu thuần tăng gần 4 lần góp phần giúp doanh nghiệp đạt chỉ số tăng trưởng kép cao, một trong những tiêu chí quan trọng trong xác định doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
“Tầm nhìn, chiến lược kinh doanh nhất quán, đây là những giá trị cốt lõi mà chúng tôi kiên định theo đuổi. Chúng tôi duy trì cơ cấu tăng trưởng của từng ngành nghề một cách cân bằng, ứng biến với thách thức chung từ thị trường để duy trì tính liên tục trong sản xuất, kinh doanh”, ông Lê Minh Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng 1369 chia sẻ.
Đây cũng là mục tiêu trong kinh doanh của Công ty CP RedstarCera (Chí Linh). Doanh nghiệp này cũng 3 năm liền được vinh danh FAST500. Phòng Kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp này đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công giải pháp tận dụng bã thải công đoạn mài và hoàn thiện sản phẩm vào làm nguyên liệu đầu vào. Đây là một trong rất nhiều sáng kiến giúp nâng cao hiệu suất lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty chuyển đổi từ bán tự động sang tự động trong khâu đóng gói giúp giảm sức lao động.
“Chân kiềng” thứ 3 trong chiến lược tăng trưởng của Công ty CP RedstarCera là ứng dụng công nghệ. Năm 2022, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng ứng dụng phần mềm quản trị toàn diện. Từ kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, lập kế hoạch sản xuất đến kế hoạch, tiến độ bán hàng, kiểm soát, quản lý kho bãi, hàng tồn lưu... tất cả đều được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt và thông minh.
Kết thúc quý I/2024, Công ty CP RedstarCera ghi nhận tăng trưởng doanh thu gần 15% so với cùng kỳ năm 2023. Công ty đã cung cấp ra thị trường 1,7 triệu m2 sản phẩm gạch men nhiều loại, trong đó xuất khẩu hơn 7% tổng sản phẩm, chủ yếu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). “Một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi năm nay là mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khối ASEAN, phấn đấu nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 10%”, ông Đặng Văn Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp cho biết.
Khẳng định vị thế
“Được vinh danh trong danh sách FAST500 mang ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Đây vừa là vinh dự, vừa là động lực để doanh nghiệp tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong mọi hoạt động, góp phần khẳng định vị thế của Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ logistics toàn cầu”, đại diện Công ty CP Liên vận An Tín (An Tín Logistics), một thành viên trong hệ sinh thái thuộc Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ.
Doanh thu cùng chỉ số tăng trưởng kép tốt đã giúp doanh nghiệp này lần đầu tiên lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024. Đây cũng là doanh nghiệp có thứ hạng đứng đầu trong số 6 doanh nghiệp của tỉnh lọt danh sách này.
Ứng dụng triệt để chuyển đổi số, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường là 3 nhóm nhiệm vụ nền tảng cho sự tăng trưởng bền bỉ của An Tín Logistics trong suốt quá trình hình thành và phát triển 17 năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Để tận dụng lợi thế này, bên cạnh những đối tác lớn trên thế giới như Maersk, Cosco Shipping, Evergreen, MSC, CMA, ONE, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác, thị trường mới.
Với hệ thống đại lý tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, tập trung ở một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, khu vực Trung Đông và một số quốc gia châu Âu, An Tín Logistics đang hướng tới mục tiêu hiện diện ở bất kỳ đâu có thị trường xuất nhập khẩu.
“Thời gian tới, để duy trì vị thế, thứ hạng trong FAST500, chúng tôi sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong tối ưu quy trình vận hành, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Công nghệ số là mục tiêu sống còn mà chúng tôi đặt ra để có thể cắt giảm chi phí dịch vụ hậu cần, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh logistics có nhiều biến động như hiện nay. Doanh nghiệp đang từng bước thực hiện tầm nhìn trở thành nhà cung cấp giải pháp logistics tổng thể uy tín hàng đầu Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Ngoài 3 doanh nghiệp vừa nêu, 3 doanh nghiệp còn lại của Hải Dương đã lọt danh sách FAST500 năm 2024 là Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings, thứ hạng 223/500, ngành nghề dịch vụ tài chính khác; Công ty CP Nhựa An Phát Xanh, thứ hạng 271/500, ngành nghề sản xuất, kinh doanh nhựa và sản phẩm từ nhựa. Doanh nghiệp Hải Dương cuối cùng lọt danh sách này là Công ty TNHH Thép Daeho Việt Nam, thứ hạng 422/500, ngành nghề sản xuất, gia công kim loại, sắt thép, kim khí.
Dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào, song có thể khẳng định sự phát triển, tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp Hải Dương, nhất là những doanh nghiệp FAST500 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mục tiêu chung của doanh nghiệp FAST500 hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác là tăng trưởng nhanh, bền vững. Để phát triển như vậy đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ nội lực doanh nghiệp đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Ý kiến ()