Doanh nghiệp Đồng Nai với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết đã mở ra các cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ở Đồng Nai nói riêng, đó là sự mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp của Đồng Nai.
Hiệp định TPP có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp dệt may Đồng Nai
(Ảnh: K.V)
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở liên quan đến ngành dệt may. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may ở Đồng Nai có doanh số xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,7 tỷ USD, và dệt may đang là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh này.
Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, trong đó có các doanh nghiệp dệt may đặc biệt quan tâm đến Hiệp định TPP. Nhiều đối tác nước ngoài cũng đã đến các doanh nghiệp của tỉnh để thảo luận bước đầu về vấn đề này. Tuy nhiên, một khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may ở Đồng Nai đang gặp phải, đó là, hiện nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nên doanh nghiệp khó được hưởng mức thuế ưu đãi khi vào TPP, vì chỉ khi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên của TTP, doanh nghiệp mới được ưu đãi.
Do đó, để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may phải sử dụng nguồn nguyên phụ liệu sản xuất có nguồn gốc từ sợi được sản xuất tại các quốc gia thành viên của Hiệp định TPP. Đây là một trong những rào cản lớn mà doanh nghiệp dệt may ở Đồng Nai cần phải vượt qua.
Ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Đồng Tiến, tỉnh Đồng Nai cho biết, khó khăn về nguyên, phụ liệu là vấn đề khó hy vọng thay đổi trong vài năm tới vì đầu tư cho ngành dệt, nhuộm không dễ. Thực tế nhiều địa phương đã không còn khuyến khích đầu tư cho dệt, nhuộm vì sợ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh khác quan tâm đến việc sau khi Hiệp định TPP được ký kết, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nguồn lực sẽ khó đủ điều kiện để tiếp cận được cơ hội từ Hiệp định TPP. Cũng theo ông Vũ Ngọc Thuần, để chuẩn bị tham gia Hiệp định TPP, Công ty này đã vừa khởi công đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành dệt may 44 ha.
Tổng công ty May Đồng Nai là một trong những doanh nghiệp may mặc có uy tín trên thị trường xuất khẩu hàng chục năm qua. Hiện đơn vị này có gần 4.000 lao động. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này thì, khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt, do vậy Tổng công ty May Đồng Nai đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng đón bắt những cơ hội mới mà thị trường mở ra. Trước đó, Tổng công ty May Đồng Nai đã thành lập một số công ty thành viên để cung cấp nguyên phụ liệu cho hàng thời trang với nguồn nguyên liệu phần lớn sản xuất trong nước. Hiện các công ty thành viên đang tập trung sản xuất vải không dệt, gia công công đoạn thêu, đan và sản xuất hàng nhựa lót trong quần áo thành phẩm…
Bên cạnh việc đầu tư mở rộng sản xuất, Tổng công ty May Đồng Nai cũng chú trọng việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, gắn với đào tạo nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc chiếm lĩnh những phân khúc cao hơn trong thị trường dệt may toàn cầu. Hiện tại 100% sản phẩm xuất khẩu của Tổng công ty May Đồng Nai được sản xuất theo phương thức FOB và hàng hóa đã vào được thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Hạnh Phúc ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, do nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước hiện nay đã tăng cao, có những đơn hàng Công ty chỉ phải nhập khẩu nguyên liệu khoảng 20% đến 30%. Những nguyên liệu khác như ốc, vít dùng làm bàn, ghế, tủ trước đây nhập khẩu hoàn toàn, thì nay trong nước đã đáp ứng được 100%. Mỗi đơn hàng công ty đều ưu tiên tìm nguyên liệu trong nước trước, nếu không có thì mới nhập khẩu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, xuất siêu của địa phương này ngày một tăng cao là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu. Hiện nay, đối với nhiều đơn hàng dệt may, giày dép, gỗ sản phẩm gỗ… nguồn cung nguyên liệu trong nước đã có sự cải thiện đáng kể. Trước đây, hầu hết các đơn hàng doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ 80-90% thì nay nhiều đơn hàng chỉ nhập khẩu khoảng 20%. Do đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xác định, việc tìm nguyên liệu trong nước hiện đang là ưu tiên hàng đầu. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển và mời gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Chính vì thế mà thời gian qua nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam, trong đó có Đồng Nai để đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dẫn đầu trong đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai là các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cũng theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh này, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này nhiều là giày dép, may mặc, sản phẩm gỗ, túi xách… ,trong đó, có nhiều mặt hàng đang phải chịu thuế xuất nhập khá cao nên việc bỏ thuế khi TPP chính thức được các doanh nghiệp Đồng Nai rất trông đợi.
Ông Hideo Okube, Chủ tịch Tập đoàn Forval, kiêm Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài cho rằng, Đồng Nai là một trong những điểm đến đầu tư rất hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản. Vì thế, khoảng vài năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Đồng Nai thuê đất, nhà xưởng để sản xuất. Công nghiệp hỗ trợ được Đồng Nai ưu tiên thu hút đầu tư cũng đang là thế mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản. Tới đây, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh này. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ hầu hết có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu mời gọi đầu tư của Đồng Nai.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()