Doanh nghiệp đề xuất tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest – tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng.
Việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại địch được công luận và doanh nghiệp rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang còn có những quy định gây khó, khiến hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp cận chính sách.
Thông tin trên được nêu trong công văn khẩn Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo phân tích của Ban IV, điểm b, khoản 2, Điều 38, Quyết định 23 quy định, đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng điều kiện để được vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh là “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.”
Tuy nhiên, hiện tại, theo pháp luật về thuế thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý. Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét loại bỏ quy định này.
Với quy định về số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng, Ban IV cho rằng, theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021, là không quá 40 giờ. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch liên tục có những giai đoạn bị phong tỏa, giãn cách, hoặc các tình huống phát sinh khác khiến doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động.
Trong bối cảnh đó, ở những thời điểm dịch ổn định, nằm trong phạm vi kiểm soát, cả doanh nghiệp và người lao động đều mong muốn có thể tận dụng tối đa thời gian, đẩy nhanh tiến độ và hiệu suất làm việc.
Vì thế, Ban IV kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét cơ chế (hoặc trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế), cho phép doanh nghiệp sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ trong 1 tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng.
Đối với chiến dịch tiêm phòng vaccine, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, doanh nghiệp rất phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh, xác định lại tính ưu tiên căn cứ cả theo lĩnh vực hoạt động cũng như các vị trí trọng yếu gắn với mục tiêu phát triển kinh tế (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành nơi có khu, cụm công nghiệp quan trọng…).
Doanh nghiệp mong muốn Thủ tướng tiếp tục giao Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, ban hành danh sách các tỉnh/lĩnh vực ưu tiên bố trí nguồn vaccine bên cạnh việc ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, để chính quyền các tỉnh, thành và doanh nghiệp tại các địa phương tính toán chủ động hơn kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh.
Riêng đối với cụm tỉnh phía Nam, hiện nguồn vaccine đang ưu tiên trực tiếp và nhiều nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tình hình và diễn biến dịch tại Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh đang có diễn biến giống nhau, và đều là các khu công nghiệp trọng điểm.
Ban IV đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, phân bổ nguồn vaccine cho các tỉnh này đồng thời với Thành phố Hồ Chí Minh để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest – tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng; nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí vô cùng lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay.
Bởi chi phí xét nghiệm PCR hiện dao động từ 700.000-1 triệu đồng; chi phí xét nghiệm nhanh trung bình trên 200.000 đồng.
Chỉ tính riêng nhóm lái xe vận tải hàng hóa vào khoảng 800.000 người trên cả nước (số liệu ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam), với tần suất xét nghiệm PCR từ 11-15 lần/tháng, chi phí phải bỏ ra của các doanh nghiệp vận tải đã là nhiều nghìn tỷ đồng. Chưa kể hàng chục triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác.
Giải pháp trên cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng tập trung đông người để đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm…
“Các doanh nghiệp, hiệp hội cam kết với Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các chỉ đạo, kêu gọi từ Chính phủ, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động, nỗ lực duy trì sản xuất, phát triển kinh tế,” bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay./.
Ý kiến ()