Doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng: ‘Bất thường nhưng hợp pháp’
‘Những ý tưởng điên rồ nhiều khi tạo sự đột phá trên thị trường. Đây là trường hợp khác biệt, hiện tượng bất thường nhưng hợp pháp. Sau 90 ngày, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra tình hình thực tế.’
Việc một công ty Việt Nam đăng ký thành lập mới với số vốn “khủng” đã bất ngờ trở thành “hiện tượng” truyền thông trong những ngày gần đây, khi con số này vượt qua cả vốn điều lệ của Tập đoàn Viettel (121.520 tỷ đồng), cao hơn 4 lần VinGroup (34.300 tỷ đồng) và gấp 12 lần Tập đoàn Masan (11.689,46 tỷ đồng).
Cụ thể, ngày 17/1, Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ, thương mại USC (tên viết tắt USC Interco.SJC) có trụ sở chính tại số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng.
Trong khi, báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội tháng Một của Tổng cục Thống kê cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng của cả nước là 8.300 doanh nghiệp, tổng số vốn đăng ký 267.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng doanh nghiệp USC Interco thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có số vốn đăng ký chiếm 53,9% tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.
Điều này dẫn đến việc, mặc dù số lượng doanh nghiệp đăng ký trong tháng đã giảm 17,9% nhưng số vốn lại tăng 76,8% so với cùng kỳ năm 2019 và đây là mức cao nhất trong 4 năm trở lại.
Trong những ngày qua, có rất nhiều ý kiến quan ngại về khả năng USC Interco đăng ký số “vốn ảo,” tuy nhiên tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng cần phải có suy nghĩ tích cực.
“Những ý tưởng điên rồ nhiều khi tạo sự đột phá trên thị trường. Đây là trường hợp khác biệt, hiện tượng bất thường nhưng hợp pháp. Sau 90 ngày, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra ghi nhận lại tình hình thực tế. Nếu doanh nghiệp đó không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử lý hoặc xử phạt theo quy định của pháp luật.”
Theo Luật Doanh Nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.
Biện pháp khắc phục hậu quả, doanh nghiệp buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, ông Cung cũng nhấn mạnh “trên thế giới, các hình thức kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới… ra đời và ít ai có thể tiên liệu được trong vòng một vài năm giá trị của nó có thể tăng từ 1-2 USD đến hàng tỷ USD. Tại Việt Nam, người dân và cả các nhà lãnh đạo hầu như không hình dung ra được điều đó. Và, nếu hiện tượng trên xảy ra, người ta sẽ nghĩ ngay đến các vấn đề tiêu cực như doanh nghiệp “lừa đảo,” vì làm sau có chuyện mỗi năm tăng vốn tới ‘hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ USD,’ lấy đâu ra! Điều này hãy để cho thị trường tự quyết định,” ông Cung nói./.
Ý kiến ()