Doanh nghiệp của bản nghèo
Chăm sóc cây cà-phê ở doanh nghiệp Đại Bách. Theo chân cán bộ phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Mường Ảng (Điện Biên), chúng tôi lên thăm doanh nghiệp - trang trại tư nhân Đại Bách dưới chân núi Pha Đén và doanh nghiệp cà-phê Nguyễn Ngọc Tứ ở bản Hua Nguống bên triền núi Pom Pá Rạ. Đây là những hình mẫu vượt khó để lập nghiệp và trợ giúp người nghèo.Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đại Bách Phùng Bá Năm từng là cán bộ thương nghiệp huyện Tuần Giáo, chuyên trách thu mua nông sản am hiểu giá trị từng mặt hàng nơi đất khó, trong đó có cà-phê. Năm 2000, anh xin nghỉ việc, chuyển gia đình vào Ẳng Nưa, nhận 7 ha đất của Công ty Cây trồng cạn (tỉnh Điện Biên) rồi trồng cà-phê. Vốn liếng eo hẹp nhưng với quyết tâm làm giàu, bươn bả qua khó khăn anh đã vun trồng thành công vườn cà-phê trên phần đất được giao. Ba, bốn năm sau, cà-phê cho thu hái, năm sau cao hơn năm trước; gieo đẫm niềm tin và lòng khát khao làm giàu trong anh. Thêm của, thêm lực, Năm hăm...
Chăm sóc cây cà-phê ở doanh nghiệp Đại Bách. |
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đại Bách Phùng Bá Năm từng là cán bộ thương nghiệp huyện Tuần Giáo, chuyên trách thu mua nông sản am hiểu giá trị từng mặt hàng nơi đất khó, trong đó có cà-phê. Năm 2000, anh xin nghỉ việc, chuyển gia đình vào Ẳng Nưa, nhận 7 ha đất của Công ty Cây trồng cạn (tỉnh Điện Biên) rồi trồng cà-phê. Vốn liếng eo hẹp nhưng với quyết tâm làm giàu, bươn bả qua khó khăn anh đã vun trồng thành công vườn cà-phê trên phần đất được giao. Ba, bốn năm sau, cà-phê cho thu hái, năm sau cao hơn năm trước; gieo đẫm niềm tin và lòng khát khao làm giàu trong anh. Thêm của, thêm lực, Năm hăm hở nhận cà-phê ra các xã Ngói Cáy, Ảng Tở, đưa tổng diện tích lên 42 ha. Mưa thuận, gió hòa, cà-phê Mường Ảng lên giá, trúng vụ, trúng mùa, mỗi ha cho thu 17 đến 18 tấn quả tươi; mỗi năm đạt dư dả 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đại Bách còn đứng ra thu mua bao tiêu cho các gia đình dân bản mỗi năm từ 200 đến 300 tấn cà-phê tươi. Được đà, doanh nghiệp thử nghiệm chế biến nhiều loại cà-phê. Năm bảo: Nếu thành công, được cấp phép sản xuất, anh sẽ đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất hàng loạt. Nghĩa là, Đại Bách sẽ tạo ra vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Đưa chúng tôi lên thăm đồi cà-phê ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, nơi hàng chục lao động đang hối hả thu hái, anh Năm xởi lởi: Đây là thời điểm thu hái đại trà. Việc huy động lao động dân bản sở tại là hết sức quan trọng. Bởi vì, hiện tại doanh nghiệp chỉ có bảy công nhân hợp đồng dài hạn, còn lại là lao động dân bản, thuê khoán theo thời vụ. Khi mùa vụ rộ rạt, ngày ngày phải thuê tới 200 lao động. Cả năm, thuê mướn trên dưới 3.500 lao động để thu hái, chăm sóc, tỉa cành, bứt lá, phòng trừ sâu bệnh… Công lao động thu hái bình quân từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg cà-phê tươi. Người thành thục thường hái từ 90 đến 100 kg/quả/ngày. Nhiều gia đình dân bản ở các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Ngói Cáy thu nhập mỗi ngày từ 300.000 đến 500.000 đồng. Lựa theo thói quen nhận “tiền tươi” của người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp thực hiện thanh toán gọn sau mỗi ngày làm việc. Tiền công đổ đồng khi nông nhàn trên dưới một trăm nghìn đồng. Tiền thu hái lúc mùa vụ trả theo sản lượng. Không nợ nần của người nghèo, nên mùa vụ nào lao động doanh nghiệp huy động cũng dư dả… Bà Lò Thị Lúm, ở bản Cao Sáng, cho biết: “Ta làm cho nó năm năm rồi. Không có nó thì nhà ta đói. Nhờ nó, ngày nào ta cũng có tiền đem về. Nhờ nó nên nhà ta có đài nghe, có ti-vi để nhìn. Có cái ăn, cái để!… “.
Cách bản doanh Đại Bách không xa là doanh nghiệp cà-phê mang tên giám đốc Nguyễn Ngọc Tứ. Năm 28 tuổi (2006), Nguyễn Ngọc Tứ xin huyện Mường Ảng cho phục hóa 32 ha đất cằn cỗi dưới chân núi Pom Pá Rạ, thuộc bản Hua Nguống, xã Ẳng Cang, rồi vay ngân hàng tới 2 tỷ đồng vốn để trồng cà-phê. Năm 2010, anh thành lập doanh nghiệp cà-phê tư nhân Nguyễn Ngọc Tứ. Mấy năm sau, cà-phê cho thu hái, bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/năm. Tứ vinh dự được là đoàn viên tiêu biểu của huyện Mường Ảng về Hà Nội dự lễ trao Giải thưởng Lương Đình Của, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; Tứ như được tiếp thêm nghị lực vượt lên mọi khó khăn để trồng và phát triển cà-phê.
Chúng tôi lên thăm khu đồi Pom Pá Củ. Nơi đây, những năm trước hoang hóa, dân bản không trồng nổi ngô, sắn vì độ dốc lớn, cằn kiệt. Khi đất thuộc về mình, Tứ trồng tới 5 ha cà-phê ghép. Anh kể rằng: Về lý thuyết, thì loại cà-phê này không trồng được ở độ dốc như thế này (40 độ trở lên). Áp dụng kỹ thuật đặt băng, tạo bậc thang, giảm dốc, kết hợp chăm bón hợp lý nên cà-phê ghép phát triển mạnh. Cái hay của cà-phê ghép là mỏng vỏ, nhân to, sai hoa, đậu quả; năng suất từ 18 đến 20 tấn quả tươi/ha.
Tương tự như doanh nghiệp Đại Bách, doanh nghiệp cà-phê tư nhân Nguyễn Ngọc Tứ cũng chỉ có 10 hợp đồng lao động cố định, còn lại tất cả đều thuê theo thời vụ. Trung bình mỗi ngày anh thuê từ 60 đến 70 lao động trong dân bản. Người làm công đều được thanh toán trực tiếp “tiền tươi” vào cuối ngày… nên người lao động rất phấn khởi.
Cà-phê Mường Ảng đã nên thương hiệu. Cũng bởi các doanh nghiệp nơi đây luôn chăm lo tập huấn, hướng dẫn cho người lao động bản địa cách chăm bón, bứt lá, tỉa cành, cách thu hái cà-phê khi chín điểm và lúc mùa vụ rộ nhưng lớn hơn cả thương hiệu ở nơi xứ núi xa xôi, hẻo lánh này ai ai cũng biết đến: Doanh nghiệp cà-phê – Doanh nghiệp của những bản nghèo!
Theo Nhandan
Ý kiến ()