Doanh nghiệp chuyển sang “3 xanh” để thích ứng tình hình mới
Các doanh nghiệp đã từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng bắt nhịp sản xuất, đặt quyết tâm lớn cho những tháng còn lại của năm 2021 để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nói riêng, cả nước nói chung bước vào giai đoạn thích ứng với bình thường mới.
Các doanh nghiệp đã từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng để bắt nhịp sản xuất, đặt quyết tâm lớn cho những tháng còn lại của năm 2021 để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Chuyển sang “3 xanh”
Sau nhiều tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ,” “4 tại chỗ,” các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam đã mất nhiều chi phí cho việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, việc được trở lại giai đoạn bình thường mới chính là điều mà nhiều doanh nghiệp mong muốn, dù phải giải quyết những khó khăn tồn đọng của những tháng trước.
Theo ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Triệu Phú Lộc (Bình Dương) chuyên về chế biến gỗ xuất khẩu, bước vào trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm mọi giải pháp để xây dựng phương án và duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phần lớn doanh nghiệp đang chuyển dần từ mô hình “3 tại chỗ” sang mô hình “3 xanh,” tức là nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh, để phù hợp với tình hình mới. Người lao động rất phấn khởi khi được trở lại nhà máy làm việc.
Trên thực tế, khi nhập cuộc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp đều chịu tác động trên nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch.
Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để giữ các đơn hàng và không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng doanh nghiệp đều đồng thuận chủ trương “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” để có biện pháp triển khai phù hợp nhất.
Khi vào giai đoạn bình thường mới, công ty đã chuyển đổi sang mô hình “3 xanh,” tiết kiệm được 70% chi phí so với mô hình “3 tại chỗ.” Qua đó, giúp công nhân có tâm lý yên tâm khi về với gia đình, cộng đồng, giúp năng suất lao động giữ được ổn định.
Không riêng ngành chế biến gỗ, nhiều ngành sản xuất cần nhiều lao động khác cũng dần chuyển sang trạng thái sản xuất bình thường mới. Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Duy Khanh (Thành phố Hồ Chí Minh), đến nay, đã có hơn 90% người lao động của công ty đi làm trở lại.
Cùng với đó, công ty cũng đang kết nối lại với các đối tác để tăng nguồn nguyên liệu cũng như công suất sản xuất và thực hiện phương án “3 xanh”, thay thế cho “3 tại chỗ” trước đây, để thích ứng với bình thường mới, trong đó, người lao động của công ty đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh bắt nhịp sản xuất, kinh doanh ổn định trong điều kiện mới, công ty tiếp tục duy trì các phương án phòng, chống dịch.
Những đơn hàng cuối năm
Được trở lại bình thường mới nhưng cũng chính là giai đoạn cuối năm, giai đoạn mà các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu phải chạy nước rút để đáp ứng các hợp đồng, đơn hàng trong năm.
Theo bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ Thuận An (Bình Dương), trong giai đoạn các tỉnh, thành khu vực phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công ty đã cho người lao động nghỉ 2 tháng.
Những đơn hàng trong 2 tháng được khách hàng đồng ý dời lại trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam trở lại bình thường sau khi ứng phó được dịch bệnh.
Chính vì vậy, công ty đã hoạt động trở lại sau khi kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chạy nước rút để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Khi khách hàng đã thông cảm cho nhà sản xuất trong thời gian khó khăn, thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm hoàn thành đơn hàng khi có thể. Đây cũng là cách mà doanh nghiệp giữ chân khách hàng, tránh để khách hàng rơi vào tay các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác trên thế giới.
Để giúp doanh nghiệp trong chặng “nước rút” cuối năm này, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang đồng hành tích cực cùng doanh nghiệp trong giữ chân người lao động, tiêm vaccine ngừa COVID-19, phối hợp với các địa phương để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc. Ngoài ra, các địa phương cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái sản xuất, kinh doanh.
Thêm vào đó, tại cuộc họp sáng ngày 17/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị rõ, khi trở về giai đoạn bình thường mới, các địa phương thống nhất các phương án thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các lãnh đạo địa phương chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương trong điều kiện bình thường mới, không được quy định trái với quy định của Trung ương, mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp.
Thực hiện điều này, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phía Nam đã tập trung thực hiện các giải pháp vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Cụ thể, tại tỉnh Long An, cửa ngõ nối liền 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam bộ, tỉnh có chủ trương xuyên suốt là phải “thận trọng từng bước” để quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được suôn sẻ, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, tỉnh Long An đang dần chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh Long An luôn công khai, minh bạch các nguồn lực khôi phục phát triển kinh tế và đồng hành, sát cánh, hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt là trong thời gian còn lại của năm 2021./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()