Doanh nghiệp chưa lo tự bảo vệ mình
Đoàn luật sư TP Hà Nội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề "Luật sư hội nhập và các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp" nêu rõ cần tăng cường hoạt động pháp lý doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hoạt động pháp lý của các doanh nghiệp nước ta còn thiếu và hạn chế.
Đoàn luật sư TP Hà Nội vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Luật sư hội nhập và các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp” nêu rõ cần tăng cường hoạt động pháp lý doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hoạt động pháp lý của các doanh nghiệp nước ta còn thiếu và hạn chế.
Về hoạt động quốc tế, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua là rất hạn chế.
Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt, DN của nước ta chưa vận dụng tốt biện pháp phòng vệ thương mại. Theo TS, LS Bùi Ngọc Anh, cho đến nay chỉ có ba vụ kiện do năm DN Việt Nam nộp đơn yêu cầu các biện pháp phòng vệ thương mại. Con số này là quá ít ỏi so với 57 vụ kiện mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp phải trên thị trường quốc tế. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của việc áp dụng biện pháp chống phá giá của Mỹ, nhất là cá da trơn và tôm nước ấm đông lạnh. Tất cả các vụ kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đều do các DN sản xuất trong nước của Mỹ hay nước khác khởi kiện.
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, thương hiệu được coi là tài sản quan trọng nhất của một DN, thể hiện uy tín, hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của DN trong tương lai.
Cốt lõi của thương hiệu chính là nhãn hiệu của DN được quy chuẩn trong luật, kể cả luật của Việt Nam và quốc tế.
Nhiều DN Việt Nam đã tạo ra và phát triển những nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi trong nước, thậm chí ở nhiều thị trường nước ngoài. Các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý này đã được bảo hộ có uy tín ở Việt Nam, nhưng chủ nhân các nhãn hiệu này lại không kịp thời bảo hộ các nhãn hiệu đó ở nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực hoặc các nước hàng hóa xuất khẩu đến. Hậu quả là các nhãn hiệu gần đó đã bị đối thủ cạnh tranh hoặc chính những người bản xứ chiếm đoạt quyền đối với nhãn hiệu đó tại nước ngoài. Hậu quả là việc xuất khẩu hàng mang các nhãn hiệu trên bị đình trệ, thị phần bị mất, thậm chí hàng thật xuất khẩu sang các thị trường trên bị tạm giữ hoặc bị tịch thu. Tất nhiên, chủ nhân của một số nhãn hiệu đã tiến hành kiện trong và sau một quá trình pháp lý đã đòi lại được nhãn hiệu của mình, nhưng một số cũng rơi vào tình trạng kiện cáo khá phức tạp và tốn kém… Thực tiễn trên ngày càng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cả ở trong nước và quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế hiện nay.
Công tác pháp lý ở các DN nhỏ và vừa hiện nay khá mờ nhạt. Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ phát triển nhân lực – Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Lê Anh Văn: Hiện nay, cả nước có hơn 500 nghìn DN có Đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 95% là DN nhỏ và vừa, là khu vực phát triển kinh tế rất nhanh, hằng năm đóng góp khoảng 45% GDP, thu hút khoảng 50% tổng số lao động trong DN. DN nhỏ và vừa khi mới được thành lập chủ yếu quản lý theo mô hình gia đình, chiếm đến hơn 97% số DN không hình thành cán bộ pháp chế chuyên trách hoặc không thuê luật sư tư vấn thường xuyên. Sự quan tâm công tác pháp chế rất mờ nhạt, giải quyết các vấn đề pháp luật chủ yếu khi có sự vụ xảy ra như kiện tụng, tranh chấp không có biện pháp phòng ngừa. Vì thế, khi có những sự vụ pháp lý xảy ra, phần lớn các DN thường bị lúng túng, nhiều khi bị theo kiện mà lỗi do ý thức pháp luật không tốt.
Trong quá trình hội nhập quan hệ kinh doanh với các DN nước ngoài, DN nhỏ và vừa của Việt Nam luôn gặp phải những hạn chế pháp lý do không nắm bắt được các quy định của pháp luật nước ngoài, các thông lệ kinh doanh quốc tế, trong quá trình đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế do những hạn chế trong pháp luật, DN Việt Nam hay bị đối tác đưa ra những điều khoản bất lợi. Hầu hết đội ngũ quản lý DN nhỏ và vừa không được đào tạo pháp luật, chính vì vậy khi mà cơ quan quản lý nhà nước có những cuộc thanh tra, kiểm tra đều phát hiện rất nhiều vấn đề vi phạm pháp luật như vấn đề lao động, bảo hiểm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, thuế, hợp đồng thương mại quốc tế…
Theo PGS, TS, LS Phạm Hồng Hải: Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN.
Trong nội dung các Pháp lệnh Luật sư năm 1987, 2001 và năm 2006 đều có các quy định khuyến khích các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư gắn bó với DN, trợ giúp pháp lý cho DN để DN kinh doanh có hiệu quả và đúng pháp luật.
Nhà nước không chỉ khuyến khích mà còn tạo ra những cơ sở pháp lý cần thiết để giới luật sư và giới doanh nhân đồng hành với nhau trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, giới luật sư và giới doanh nhân chưa thật sự gắn bó với nhau, trong khi đó ở nước ngoài, các DN đều có luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư tư vấn; các công ty nước ngoài đầu tư ở Việt Nam cũng đều có công ty luật ở trong nước hoặc chi nhánh của họ tại Việt Nam tư vấn.
Để tăng cường sự kết nối giữa luật sư và DN, cần thực hiện những giải pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp thấy rõ vai trò của luật sư và sử dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư trong kinh tế thị trường. Đoàn luật sư các tỉnh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngoài chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư còn có chức năng định hướng hoạt động cho luật sư.
Để tư vấn cho DN, luật sư phải thật sự hiểu DN để tìm hiểu, tháo gỡ những vướng mắc. Một số Đoàn luật sư có uy tín, với số lượng luật sư đông nên chủ động tham gia vào các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN của Nhà nước, thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý DN theo Nghị định 66/2008/NĐCP về hỗ trợ pháp lý DN và tham gia vào việc hình thành Quỹ hỗ trợ pháp lý DN tại các tỉnh hoặc ở trung ương để tăng cường sự đóng góp và kết nối giữa các DN trong việc nâng cao ý thức pháp luật.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()