Doanh nghiệp chủ động vượt khó
Xí nghiệp dệt kim của Công ty TNHH một thành viên dệt kim Đông Xuân. Năm 2011 được các doanh nghiệp (DN) nhìn nhận là một năm đầy khó khăn, thách thức. Một loạt các chi phí đầu vào tăng cao, khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng... đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, bất kể DN nhỏ hay DN lớn. Song, chính trong bối cảnh khó khăn này, nhiều DN đã tự tìm ra cho mình hướng đi riêng để vươn lên, tạo tiền đề phát triển bền vững.Vật lộn với khó khănTừ vài tháng nay, xưởng may của Công ty cổ phần dịch vụ thời trang Linh Linh (Gia Lâm, Hà Nội) rộng gần 300 m2 chỉ còn lác đác vài công nhân ngồi cặm cụi may. Không còn tiếng rào rào của máy khâu, máy cắt, máy vắt sổ... như hồi năm ngoái, không khí buồn tẻ bao trùm cả xưởng. Chỉ tay vào đống máy móc đang nằm im lìm trong xưởng, Giám đốc công ty Nguyễn Huyền Trinh với khuôn mặt đầy lo lắng than thở: 'Không biết làm sao để duy trì...
|
Vật lộn với khó khăn
Từ vài tháng nay, xưởng may của Công ty cổ phần dịch vụ thời trang Linh Linh (Gia Lâm, Hà Nội) rộng gần 300 m2 chỉ còn lác đác vài công nhân ngồi cặm cụi may. Không còn tiếng rào rào của máy khâu, máy cắt, máy vắt sổ… như hồi năm ngoái, không khí buồn tẻ bao trùm cả xưởng. Chỉ tay vào đống máy móc đang nằm im lìm trong xưởng, Giám đốc công ty Nguyễn Huyền Trinh với khuôn mặt đầy lo lắng than thở: 'Không biết làm sao để duy trì cái xưởng sản xuất này. Giá đầu vào cái gì cũng tăng, tính toán thế nào cũng không có lãi. Từ đầu năm đến nay, tôi phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để kiếm việc làm cho thợ, thậm chí phải chấp nhận những đơn hàng giá rất rẻ, nếu hạch toán ra thì không hề có lãi nhưng để giữ chân thợ thì đành phải làm. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, chắc chắn không thể bù đắp nổi phần lỗ, khéo phải đóng xưởng'. Theo Giám đốc Nguyễn Huyền Trinh, một loạt các chi phí đầu vào tăng từ 20% đến 50% như nguyên liệu vải, tiền điện, cước vận chuyển, giá thuê nhân công, mặt bằng… trong khi đó đơn giá chỉ tăng được cao nhất là 10%, nếu tăng cao hơn thì khách hàng không chấp nhận. Với những hợp đồng lớn thì đơn giá có thể tăng cao hơn nhưng DN lại không có vốn để làm. Nhiều khi, để có vốn lưu động, công ty phải nhận những đơn hàng có giá rẻ hơn từ 5 đến 10%/sản phẩm nhưng bù lại được khách hàng thanh toán trước.
Đây chỉ là tình cảnh của một trong số nhiều DN đang phải vật lộn từng ngày với vô vàn khó khăn. Năm 2011 được nhiều DN đánh giá là năm còn khó khăn hơn năm 2008 và 2009 khi nền kinh tế trong nước bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu. Giám đốc công ty cổ phần Nhựa Thăng Long Lê Hoàng cho rằng, dù sao những năm trước, DN còn được Nhà nước hỗ trợ lãi suất và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn năm nay, do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, cho nên việc vay vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Chưa kể lãi suất vay ngân hàng quá cao, lên đến 21,5%/năm, hiện công ty đang phải vay ngân hàng 30 tỷ đồng, lợi nhuận không đủ bù lãi vay này. Cùng với đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng 20%; tiền điện, cước vận chuyển cũng tăng nên năm nay công ty cũng chỉ đặt mục tiêu phấn đấu duy trì doanh thu bằng với năm trước, đạt khoảng 150 tỷ đồng. Toàn bộ các dự án đầu tư mới của công ty đều dừng lại, chờ sang năm sau khi lãi suất ngân hàng giảm mới tính đến việc triển khai đầu tư tiếp.
Không chỉ các DN nhỏ, các DN lớn cũng đang gặp khó khăn không kém. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Dương Thị Ngọc Dung, lãi suất vay ngân hàng tăng cao hơn 20%/năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN dệt may. Thêm vào đó giá nguyên liệu đầu vào bông, xơ tăng hơn 1,6 lần, giá nguyên liệu vải thành phẩm tăng trung bình 35%, có loại tăng 1,5 lần so với cuối năm 2010, giá điện tăng 15,28%, xăng, dầu tiếp tục tăng… dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi giá bán không thể tăng tương ứng khiến cho nhiều DN hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên dệt kim Đông Xuân (Doximex) Trương Thị Thanh Hà cho biết, một loạt các chi phí đầu vào tăng đã làm cho lợi nhuận của DN giảm, có mặt hàng chịu lỗ vì hợp đồng xuất khẩu ký kết từ tháng 10-2010. Dự báo sáu tháng đầu năm 2011, DN này sẽ bị giảm lợi nhuận nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả.
Năng động vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, tự xoay xở tìm cách ứng phó với khó khăn đã trở thành phương châm hoạt động của nhiều DN. 'Khó có thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bởi năm nay Chính phủ không còn nhiều nguồn lực để hỗ trợ DN như thời điểm năm 2009. Vì vậy, mỗi DN phải tìm cách tự cứu mình', Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thăng Long Lê Hoàng thẳng thắn nhìn nhận. Xác định năm nay rất khó khăn cho nên từ đầu năm, DN này đã rà soát, sắp xếp lại quy trình sản xuất một cách hợp lý đồng thời đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, nhờ đó năng suất lao động tăng từ 4 đến 5% so với trước đây. Đặc biệt, công ty áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như sử dụng mô-tơ biến tần, góp phần tiết kiệm được 25% lượng điện tiêu hao. Giải quyết khó khăn về vốn, công ty tập trung sử dụng vốn hiệu quả, thu hồi công nợ nhanh để tăng khả năng quay vòng vốn…
Không ít DN đã chủ động tìm hướng đi cho riêng mình để duy trì và phát triển sản xuất. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Đức Giang – Công ty cổ phần Hoàng Vệ Dũng cho biết, để vượt qua khó khăn hiện nay, DN cần khai thác thị trường, khôn khéo bám sát khách hàng để lựa chọn phương thức mua bán hợp lý nhất. Với cách làm này, Tổng công ty không bị gián đoạn sản xuất, bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân tập trung nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành sản phẩm bằng cách nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất, tổ chức sắp xếp sản xuất khoa học, tiết giảm chi phí, rà soát toàn bộ lượng tiêu hao vật tư nguyên liệu, nhiên liệu thực tế năm 2010 để từ đó xây dựng định mức năm 2011. DN này đang triển khai đề tài 'Sử dụng loại nhiên liệu đốt được sản xuất từ than có phụ gia' thay thế than cục, than cám 3 để giảm chi phí nhiên liệu, không tạo xỉ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Thực tế khó khăn hiện nay cũng được nhiều DN nhìn nhận là cơ hội tốt để các DN thực hiện tái cấu trúc DN và nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này, DN sẽ phát triển một cách bền vững. Với Công ty cổ phần Nhựa Thăng Long, chiến lược hoạt động trong thời gian tới đã được DN này nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay công ty đang tập trung sản xuất các sản phẩm nhựa công nghiệp nhưng trong thời gian tới, công ty sẽ dần chuyển hướng đi vào sản xuất nguyên liệu nhựa, nhất là những nguyên liệu nguồn để thay thế hàng nhập khẩu. Đồng thời tập trung sản xuất các sản phẩm phục vụ các ngành hạ tầng kỹ thuật như điện thông qua việc xúc tiến thực hiện dự án liên doanh với Hàn Quốc sản xuất chuỗi cách điện bằng pô-ly-me, có tuổi thọ dài hơn, dễ vận chuyển, dễ thao tác thi công hơn so với các loại sứ cách điện hiện nay.
Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Việt Lê Văn Khuê chia sẻ: Khó khăn cũng là cơ hội để DN nhìn lại và điều chỉnh cơ cấu sản xuất kinh doanh hợp lý, chỉ tập trung kinh doanh những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao. Với đặc thù đầu tư vùng trồng nguyên liệu thuốc lá, DN này đã cố gắng tìm cách rút ngắn chu kỳ kinh doanh, giảm thấp nhất lượng hàng tồn kho bằng cách thương thảo, đàm phán với khách hàng nếu được giá là bán ngay, thay vì dự trữ trong kho như các năm trước. Nhờ đánh giá khá chính xác tình hình thị trường cùng với nỗ lực ngay từ đầu năm mà đến nay công ty đã hoàn thành 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội) cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, DN cần tỉnh táo để rà soát các dự án đầu tư; tái cấu trúc DN, nhất là định hướng kinh doanh và các nguồn vốn, giảm thiểu các chi phí hoạt động, tập trung vốn cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết, sáp nhập và cổ phần hóa; tăng lương cùng với tăng giờ để không tuyển dụng thêm lao động và điều chỉnh ca kíp hợp lý hơn để duy trì được bộ máy sản xuất của mình vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tạo nền tảng cho phát triển lâu dài.
Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, với sự năng động vươn lên và cách làm sáng tạo của mình, nhiều DN vẫn tự tin sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Song, điều DN cần nhất trong bối cảnh hiện nay, đó chính là những định hướng điều chỉnh chính sách vĩ mô và một số chính sách khác (như giá điện, xăng, dầu…) của Chính phủ cần có tính tiên liệu, ổn định để các DN có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()