Doanh nghiệp cần chủ động trước “giờ G”
LSO-Theo nội dung ký kết khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì đến ngày 11/1/2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, tức là các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp 100% tại Việt Nam. Còn hơn 1 tháng nữa là đến “giờ G”, các doanh nghiệp, nhà phân phối tại Lạng Sơn cần chủ động trước sự cạnh tranh của hàng hóa ngoại ngay tại “sân nhà”.
Hàng Thái Lan đã bắt đầu xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa |
Là tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nhiều năm qua, Lạng Sơn luôn là một thị trường lớn của hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù mới dừng lại ở mức người Việt nhập hàng Trung Quốc về phân phối hoặc một số ít thương lái Trung Quốc xây dựng kênh phân phối qua biên nhưng điều này cũng làm ảnh hưởng lớn đến việc phân phối và tiêu thụ hàng Việt. Tới đây, khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, nếu các doanh nghiệp của Trung Quốc đầu tư mạnh vào thị trường Lạng Sơn, xây dựng siêu thị hoặc các đại lý bán lẻ theo hệ thống sẽ gây nên một sức ép lớn đối với các doanh nghiệp cũng như các nhà phân phối trên địa bàn.
Bên cạnh sự lấn sân của hàng hóa Trung Quốc, hiện tại, trên thị trường Lạng Sơn đã bắt đầu phát triển các đại lý hàng Thái Lan. Từ cuối năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã có khoảng 6 đại lý phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan được mở. Ông Lê Xuân Lô, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Sự thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua đã tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người Việt. Theo thống kê của ngành Công thương thì khoảng 71% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng nội. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh của hàng ngoại, nhất là những thương hiệu hàng ngoại đã khẳng định được chất lượng và mẫu mã trong lòng người tiêu dùng Việt Nam từ nhiều năm nay như hàng Nhật, hàng Thái thì sức ép đối với hàng nội càng lớn. Tới đây, khi nước ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ xây dựng các kênh phân phối chính thức vào sâu trong thị trường nội địa. Trong đó, khả năng rất cao thị trường Lạng Sơn sẽ có sự thâm nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Lạng Sơn không chủ động xây dựng giải pháp để phát triển thì có thể mất lợi thế ngay trên sân nhà.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị phân phối hàng tiêu dùng lớn như Công ty Cổ phần Thành Đô, Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương…Mỗi đơn vị đều có siêu thị lớn và chuỗi siêu thị mini, đại lý phân phối tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hàng hóa do các đơn vị phân phối có đến hơn 90% là hàng sản xuất trong nước.
Ông Trần Đức Kiên, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thành Đô cho biết: Qua theo dõi thị trường, ban lãnh đạo công ty đã nhận thấy có sự cạnh tranh từ việc xuất hiện của một số đại lý phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan, nhưng với uy tín lâu năm và chất lượng hàng hóa đảm bảo nên hiện tại việc kinh doanh của công ty chưa bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, tới đây, để chủ động thị trường, làm chủ được tình hình, công ty lên kế hoạch tập trung nhập và phân phối các mặt hàng nội địa đã có thương hiệu, chất lượng và giá cả hợp lý để luôn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cùng với đó nâng cao chất lương dịch vụ, thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến mại, ưu đãi mua sắm đến với khách hàng.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung đều đã chuẩn bị tâm lý, xây dựng phương án kinh doanh trước giờ mở cửa. Mặc dù có lợi thế sân nhà, nhưng trước những “đối thủ ngoại” có khả năng, kinh nghiệm nắm bắt thị trường và chiến lược phân phối hàng hóa rất tốt thì các doanh nghiệp nội cần có những thay đổi cần thiết để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp nội cần tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là nghiên cứu phương án giá hợp lý. Cùng với đó, phải xây dựng được hình ảnh thương hiệu rộng, không chỉ trong nước mà hướng đến cả thị trường nước ngoài. Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu từ vào thị trường của ta thì ta cũng cần có chiến lược đưa hàng Việt sang thị trường quốc tế. Đồng thời, một vấn đề rất quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp nội cần thực hiện tốt là liên kết sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phụ trợ cho nhau cần liên kết chặt chẽ, từ đó mới chủ động và ổn định được đầu vào, đầu ra. Những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những sản phẩm tương đương thì cần thống nhất được phương án giá đồng nhất và phân chia thị trường hợp lý, hạn chế trường hợp chính bản thân doanh nghiệp nội cạnh tranh, kìm hãm nhau để doanh nghiệp ngoại phát triển.
Thời gian đến giờ mở cửa chỉ còn đếm bằng ngày, hy vọng doanh nghiệp Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ liên kết chặt chẽ để làm chủ được tình hình và phát triển thị trường bền vững.
ANH DŨNG
Ý kiến ()