Doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường
LSO-Trong tháng 7/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 149,09% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, tính cả 7 tháng của năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ tăng nhẹ (7,9%) so với cùng kỳ. Để đẩy mạnh nền sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có những cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp. Nhưng để có thể phát triển mạnh và bền vững thì chính các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động tìm và mở rộng thị trường, qua đó có thể tăng mức sản xuất.
Các doanh nghiệp sản xuất gạch gặp khó do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp |
Theo báo của UBND tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng xi măng sản xuất được 34,3 nghìn tấn, tăng 40,58% so với cùng kỳ; than sạch 315,3 nghìn tấn, giảm 2,75% so với cùng kỳ; đá các loại được 1,141 nghìn m3, giảm 5,6% so với cùng kỳ… Qua số liệu này thấy rằng, mặc dù một số công ty sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp đã có sự phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thế nhưng tốc độ sản xuất các sản phẩm công nghiệp vẫn ở mức trung bình, một số sản phẩm còn giảm so với cùng kỳ. Số liệu này cũng đã phản ánh đúng tình hình thực tế về sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng.
Qua số liệu thống kê, sản phẩm xi măng tăng mạnh so với cùng kỳ là do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng đã có nguồn cung thị trường ổn định, đặc biệt là xi măng Đồng Bành, sau khi Tập đoàn xi măng The Vissai tiếp nhận lại xi măng Đồng Bành thì sản lượng tiêu thụ xi măng Đồng Bành đã tăng dần đều. Nguyên nhân tăng là do Tập đoàn xi măng The Vissai đã chủ động tìm thị trường, trong đó hướng đến xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và cả Châu Phi.
Là sản phẩm “truyền thống” của vùng Na Dương, qua 7 tháng đầu năm 2014, mặc dù sản phẩm than sản xuất đạt 68,2% kế hoạch năm của công ty nhưng sản lượng này vẫn giảm so với cùng kỳ. Lý giải nguyên nhân này, ông Chu Đức Thỏa, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: trong thời gian qua, sản phẩm than của công ty chủ yếu cung ứng cho Nhiệt điện Na Dương, trong thời điểm này, Nhà máy Nhiệt điện chuẩn bị nghỉ bảo dưỡng 2 tổ máy phát điện nên sản lượng sản phẩm của đơn vị có giảm so với cùng kỳ. Qua trao đổi với lãnh đạo công ty, được biết, sản phẩm than Na Dương có tính đặc thù với hàm lượng lưu huỳnh lớn, vì vậy nó khá “kén” bạn hàng. Trước kia, một số công ty xi măng còn mua, nhưng nay các công ty này thay đổi công nghệ sản xuất xi măng nên những bạn hàng cũ giảm dần. Chính điều này khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm than Na Dương cũng giảm dần. Nói vậy để thấy việc tìm và mở rộng thị trường quan trọng như thế nào đến tốc độ phát triển của một doanh nghiệp sản xuất than.
Một sản phẩm công nghiệp khác cũng giảm vì không mở rộng được thị trường tiêu thụ, đó là: sản phẩm gạch, đá. Nhìn lại cả một quá trình từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vẫn đang phải gồng mình đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều công trình xây dựng bị hoãn, giãn tiến độ nên đã gây tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ gạch, đặc biệt là đá. Cùng với đó, sản phẩm vật liệu xây dựng tồn kho sau một thời gian dài không tiêu thụ được khiến một số công ty khai thác vật liệu xây dựng đã dừng sản xuất, cụ thể như ở huyện Hữu Lũng, trên địa bàn này có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai thác đá, nhưng đến nay chỉ còn vài doanh nghiệp là có thể trụ vững. Không chỉ các doanh nghiệp ở Hữu Lũng, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn do tình hình cung – cầu vật liệu xây dựng bị xáo trộn, các doanh nghiệp này đều phải điều chỉnh sản lượng, chính vì vậy mà sản lượng đá các loại trong thời gian qua giảm so với cùng kỳ. Ngoài các công ty khai thác đá, doanh nghiệp sản xuất gạch nung cũng gặp trường hợp tương tự do không thể tìm được thị trường tiêu thụ mới.
Nêu một số sản phẩm công nghiệp điển hình để thấy mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng tốc độ phát triển về sản xuất công nghiệp của Lạng Sơn vẫn còn khá chậm và chưa bền vững. Để sản xuất công nghiệp của tỉnh bền vững hơn, trong thời gian tới, không chỉ những tháng cuối năm 2014, cả năm 2015 mà các doanh nghiệp cần phải tính toán, xây dựng phương án kinh doanh dài hơn (ví như Xi măng Đồng Bành đã xây dựng phướng án kinh doanh đến năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm thị trường mới, đặc biệt cần hướng đến những thị trường ở ngoài nước. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần phải nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Ngoài vốn, công nghệ sản xuất…, để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần phải xây dựng thương hiệu sản phẩm (như xi măng mang thương hiệu The Vissai). Việc tìm và mở rộng thị trường không chỉ ở việc tăng cường xuất khẩu. Vì tùy thuộc vào từng loại sản phẩm, các doanh nghiệp còn cần phải tìm biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, phát huy thế mạnh về chất lượng sản phẩm.
Thực tế trên cho thấy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách thì để nền sản xuất công nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển một cách bền vững, các doanh nghiệp cần tích cực tự thân “vận động” mới mong nâng sản lượng tiêu thụ.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()