Doanh nghiệp cần chủ động thực hiện
LSO-Từ 1/5/2018, Trung Quốc chính thức siết chặt chính sách bắt buộc đối với tất cả lô hàng hoa quả nhập khẩu vào nước này phải đóng gói, bao bì có dán tem, đầy đủ các thông tin để truy xuất nguồn gốc... Để việc xuất khẩu thuận lợi, phía doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thực hiện để đảm bảo hàng thông quan nhanh, đồng thời giá trị xuất khẩu không bị giảm.
Kiểm dịch hoa quả, nông sản xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) |
Bước đầu kiểm tra, truy xuất
Theo số liệu của Hải quan tỉnh, chỉ tính từ đầu tháng 4 đến ngày 2/5/2018, các mặt hàng hoa quả xuất khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn sang Trung Quốc trung bình mỗi ngày có từ 1.000 – 1.500 xe, các loại hoa quả chủ yếu là thanh long, dưa hấu và nhiều loại hoa quả khác. Chỉ trong hơn 1 tháng, đã có hơn 34 nghìn lượt xe chở hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh.
Tìm hiểu thực tế tại một số cửa khẩu như: Tân Thanh, Cốc Nam, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị thì từ đầu tháng 4, lực lượng chức năng phía Trung Quốc đã thực hiện kiểm tra thí điểm một số lô hàng hoa quả nhập khẩu vào nước này về quy định dán nhãn mác xuất xứ.
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Trong tháng 4, qua việc nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu thì phía Trung Quốc đã kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với một vài lô hàng hoa quả, trong đó có thanh long; mặt hàng chuối, dưa hấu, phía Trung Quốc chưa kiểm soát về vấn đề này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Thời gian qua, hoa quả, nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, ớt…, trong đó có 2 loại hoa quả phía Trung Quốc đều thực hiện kiểm tra truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đó là sầu riêng và măng cụt. Từ tháng 4 đến nay, đã có doanh nghiệp vướng khi xuất khẩu mặt hàng đó vào Trung Quốc, tuy nhiên, phía hải quan tại cửa khẩu đã phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc tháo gỡ, cùng tạo điều kiện cho những lô hàng đó được thông quan và thực hiện được việc giao dịch thuận lợi.
Cán bộ hải quan Cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra hàng thanh long xuất khẩu |
Ngành chức năng chủ động tuyên truyền
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Hải quan tỉnh…, lực lượng hải quan cửa khẩu đã niêm yết thông báo về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với hoa quả khi xuất khẩu tại khu vực làm thủ tục để doanh nghiệp nắm bắt. Cùng đó, cán bộ hải quan trực tiếp làm thủ tục cũng thông báo cho doanh nghiệp chủ động thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết: Hiện nay, phía Trung Quốc đã thực hiện kiểm dịch, kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với hàng hóa là nông sản, trong đó, thời điểm hiện tại là mặt hàng hoa quả của Việt Nam. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bao gồm: thực hiện niêm yết tên tổ chức xuất khẩu; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký; tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký trên sản phẩm hàng hóa… Nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung, hoa quả nói riêng của Việt Nam, chi cục đang phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu, Cục Hải quan tỉnh… hướng dẫn các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả về thủ tục, cách thức thực hiện quản lý, truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu theo đúng quy định… Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, việc Trung Quốc kiểm dịch, kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản nhập khẩu là biện pháp thông thường theo thông lệ quốc tế.
Từ cuối tháng 3/2018, Sở Công thương Lạng Sơn đã có công văn gửi sở công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hoa quả biết và thực hiện. Đồng thời, Sở Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động xuất khẩu hoa quả qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn cần đàm phán, thống nhất chặt chẽ, cụ thể với bạn hàng Trung Quốc về mặt hàng, quy trình áp dụng… để có kế hoạch kinh doanh, tránh rủi ro, thiệt hại.
UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Cục Hải quan tỉnh tăng cường tuyên truyền tới doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả về quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trước khi xuất khẩu. Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phối hợp với Cục Hải quan thực hiện niêm yết khuyến cáo thông tin phía Trung Quốc tăng cường quản lý, truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu tại các cửa khẩu để doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả nắm rõ.
Cơ hội để doanh nghiệp thay đổi tư duy
Đến thời điểm hiện tại, đa số các doanh nghiệp đã và đang thực hiện đầy đủ các quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với mặt hàng hoa quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp chưa chủ động thực hiện, trong đó có các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu dưa hấu, chuối. Bởi thực tế, đa phần các doanh nghiệp, tư nhân hoạt động xuất khẩu loại hoa quả này đều xuất tiểu ngạch, đồng thời thu mua qua khâu trung gian, do vậy, việc dán nhãn, chứng minh xuất xứ gặp khó khăn.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII khuyến cáo: Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy ngay để theo kịp quy định thông lệ quốc tế. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu của nông sản nói chung, hoa quả nói riêng của Việt Nam vẫn chưa cao, nguyên nhân có một phần bởi phía doanh nghiệp Việt Nam vướng rào cản kỹ thuật như quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và chất lượng. Việc Trung Quốc chính thức siết chặt chính sách bắt buộc đối với tất cả lô hàng hoa quả nhập khẩu vào nước này phải đóng gói, bao bì có dán tem, đầy đủ các thông tin để truy xuất nguồn gốc… bắt buộc phía doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc liên kết với người nông dân ngay từ khâu sản xuất, từ đó nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các quy định về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nông sản là để từng bước đưa hoạt động xuất, nhập khẩu đi vào chính ngạch, có kiểm soát. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhằm bắt kịp thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm đầu ra của mình.
Để tạo điều kiện cho việc xuất khẩu nông sản, tỉnh đang xúc tiến đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng. Hiện các cửa khẩu đều được đầu tư đường giao thông, bến bãi, nhà làm việc của các lực lượng chức năng như: biên phòng, hải quan, kiểm dịch… Hiện tỉnh đã phê duyệt và có nhà đầu tư xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa (trong đó, trọng tâm là nông sản, hoa quả) rộng 147 ha tại thị trấn Đồng Đăng. Đây sẽ là nơi tập trung cho sơ chế, đóng gói, có đầy đủ các lực lượng như: hải quan, biên phòng, kiểm dịch để giải quyết các thủ tục thông quan cho hàng nông sản Việt Nam. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()