Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về tạm dừng hoạt động, giải thể
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018.
Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất năm 2019.
Trong số này có 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4% so với năm 2018.
Trong khi đó, năm 2020, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là chưa có điểm sáng mới.
Theo phân tích của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp nhỏ ra nhập thị trường chưa lâu đã phải giải thể do khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. “Điều này cho thấy ‘sức khỏe’ các doanh nghiệp bất động sản rất có vấn đề,” một chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây chưa hẳn đã là tín hiệu xấu.
Khi thị trường có sự sàng lọc thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.
Trên thực tế, các doanh nghiệp mạnh, đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm vẫn bám trụ tốt và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.
Một số chuyên gia nhận định việc tạm dừng hoạt động hay giải thể của doanh nghiệp bất động sản cũng không nên đổ hết lỗi cho những khó khăn chung như thủ tục phát triển các dự án ngày càng khó khăn và nhiều rào cản hay việc siết chặt dòng vốn cho thị trường này…
Khi hoạt động trên thị trường, các doanh nghiệp đều phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh chung. Việc sớm nắm bắt được cơ hội và chọn hướng đi đúng cho phân khúc sản phẩm cũng như tạo dựng thương hiệu uy tín để lấy niềm tin của khách hàng chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp bất động sản thành công và vượt qua khó khăn để trụ lại.
Suốt một thời gian dài, lĩnh vực bất động sản tồn tại quá nhiều bất cập đến từ hàng trăm doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn hoạt động đã gây náo loạn thị trường; trong đó, nổi bật nhất là cú lừa siêu hạng với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng của Tập đoàn địa ốc Alibaba khiến hơn 7.000 nhà đầu tư đất nền lao đao./.
Ý kiến ()