Doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn
Dù quý 3/2021 ngành bảo hiểm tăng chậm lại nhưng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng của năm 2021 ước tính vẫn tăng 13%; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%.
Dù ngành bảo hiểm đang đối diện với những khó khăn trước mắt khiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh nhưng những thay đổi về khung pháp lý được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều dư địa phát triển trong dài hạn cho doanh nghiệp ngành này.
Khó khăn do COVID-19
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài kể từ giữa tháng Bảy đến nay, doanh thu bán bảo hiểm chậm lại trong quý 3/2021.
Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể dẫn đến sự suy yếu trong các động lực tăng trưởng doanh thu bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ trong quý 3.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn. Đối với các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động với công suất thấp, giá đầu vào cao và chi tiêu cho phòng chống lây nhiễm đang làm giảm lợi nhuận, do đó thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến việc cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu, bao gồm bảo hiểm. Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư công của Chính phủ cũng bị chậm lại.
Thực tế, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm quý 3/2021 ước tăng 7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong các quý từ đầu năm đến nay.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong nửa cuối năm, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm có thể bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 vì phần lớn sản phẩm vẫn được phân phối bởi bán hàng trực tiếp và đại lý.
Đơn cử, Tập đoàn Bảo Việt – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm – đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để đối phó với tình hình hiện tại, bao gồm nền tảng bán hàng trực tuyến, cấp đơn bảo hiểm trực tuyến, esign, eclam (bồi thường trực tuyến) và chuẩn bị triển khai core bảo hiểm mới của Bảo Việt Nhân thọ để phục vụ kinh doanh và quản trị online…
Tuy nhiên, theo quan điểm của SSI, sẽ mất nhiều thời gian hơn để các giải pháp này có thể tạo ra sự thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
Khung pháp lý – bước tích cực dài hạn
Gần đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023. SSI cho rằng nhìn chung, bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó, các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây.
Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.
Dự thảo sửa đổi này bổ sung một số điều khoản mới để hướng dẫn cho các công ty bảo hiểm, đồng thời sửa đổi một số quy định trước đây để tránh nhầm lẫn khi áp dụng trong thực tế.
Điểm đáng chú ý là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin. Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng, tuy nhiên, SSI kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật tiếp theo.
Theo SSI, dự thảo này cấm các công ty bảo hiểm tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản, ngoại trừ việc bất động sản được sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc của công ty bảo hiểm, cùng với một số ngoại lệ khác.
“Chúng tôi cho rằng dự thảo sửa đổi luật này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm,” SSI nhận định.
Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm (từ 2023-2027) tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế. Do đó, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.
Thực tế, lĩnh vực bảo hiểm có mức tăng trưởng rất tích cực trong những năm gần đây. Đà tăng trưởng của lĩnh vực này liên tục được duy trì các năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đạt 20% trong giai đoạn từ năm 2016-2020.
Nửa đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.
Dù quý 3/2021 ngành bảo hiểm tăng chậm lại nhưng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng của năm 2021 ước tính vẫn tăng 13%; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.
Theo VDSC, sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý 4/2021 khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn cho phép mở cửa dần các hoạt động kinh tế. Về cơ cấu sản phẩm, môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài sau khi đại dịch được kiềm chế để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ vẫn dẫn dắt tăng trưởng phí bảo hiểm mới của bảo hiểm nhân thọ./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()