Doanh nghiệp bán lẻ bắt nhịp tiêu dùng thời công nghệ 4.0
Việc thay đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là vấn đề then chốt để phát triển mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang thực hiện trong bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ.
(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bùng nổ ở mọi lĩnh vực thì các doanh nghiệp bán lẻ cũng thay đổi hình thức kinh doanh để thích nghi với môi trường mới.
Thay đổi mô hình kinh doanh bắt nhịp với tiêu dùng 4.0 cũng là yếu tố sống còn để doanh nghiệp bán lẻ tồn tại và phát triển trong giai đoạn hậu COVID-19.
Từ ngày dịch COIVD-19 xảy ra, chị Linh (quận Ba Đình) thường xuyên lên các sàn thương mại điện tử mua sắm từ đồ gia dụng đến thực phẩm… Chị Linh cho biết giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát và giãn cách xã hội đã làm thay đổi tư duy tiêu dùng của mọi người.
“Chỉ cần một cái click chuột trên các trang bán hàng như shopee, lazada, postmart… là tôi có thể tìm thấy tất cả những món đồ mình cần mua. Việc này vừa hạn chế tiếp xúc trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa tiết kiệm được thời gian” – chị Linh nói.
Đối với các doanh nghiệp bán lẻ thì việc thay đổi mô hình kinh doanh trong mùa dịch cũng mang lại rất nhiều lợi ích, đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như doanh thu của doanh nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Hợp tác xã Hải Yến chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản tại Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra thì việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, hợp tác xã đã chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng trên mạng như đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử hoặc live stream trên các nền tảng mạng xã hội.
“Việc bán hàng online cũng có thuận lợi như tiếp xúc được nhiều khách hàng hơn, có nhiều đơn hàng hơn, từ đó doanh thu cũng được duy trì, thậm chí còn tăng hơn so với mọi năm. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển việc bán hàng online đang mang lại hiệu quả này” – chị Yến cho biết thêm.
Thực tế, không chỉ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hay hợp tác xã mà thậm chí các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang tập trung đẩy mạnh hoạt động trên các sàn thương mại điện tử.
Tại hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart hiện cũng đang triển khai bán hàng qua mạng rất hiệu quả. Ngay từ khi xảy ra dịch COVID-19, hệ thống bán lẻ này đã triển khai chương trình “Đi chợ hộ” trên website: winmart.vn.
Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội, dịch vụ “đi chợ hộ” của WinMart đã phát huy hiệu quả lớn khi vừa góp phần phòng, chống dịch COVID-19, vừa mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ của tập đoàn Central Retail gồm siêu thị Big C, GO! Top Market cũng triển khai bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, sendo, lazada…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, hệ thống bán lẻ của chúng tôi đã phải tập trung thay đổi tư duy bán hàng, phương thức bán hàng để phục vụ người tiêu dùng. Có thể nói, việc thay đổi mô hình bán hàng đa kênh trên các nền tảng đã mang lại hiệu quả nhất định cho tập đoàn.”
Đánh giá về hoạt động trên sàn thương mại điện tử, ông Phan Trọng Lê, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử PostMart cho biết trước đây, các mặt hàng đều được tiêu thụ qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị… thì nay đã có thêm một kênh tiêu thụ nữa là trên các sàn thương mại điện tử.
Việc đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng và có thể đặt mua trực tuyến từ bất kể nơi nào.
Đối với sàn thương mại điện tử Postmart đã hoạt động từ năm 2017 và chỉ tập trung vào các mặt hàng đặc sản, sản phẩm OCOP. Từ cuối năm 2019, khi mà dịch COIVD-19 bắt đầu bùng phát thì Postmart bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người sản xuất trong bối cảnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Ông Lê cho biết thêm đến nay có hơn 4 triệu tài khoản; trong đó bà con tham gia bán hàng đạt khoảng 500.000 tài khoản, với hơn 1 triệu sản phẩm trên sàn postmart. Mặc dù hiệu quả từ việc bán hàng đa kênh là rất rõ ràng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập cho cả người bán lẫn người mua khi thực hiện mô hình này.
Nói về khó khăn khi mới chuyển đổi mô hình kinh doanh, Giám đốc Hợp tác xã Hải Yến chia sẻ trong quá trình thực hiện bán hàng online, chúng tôi thường gặp tình trạng như đơn hàng bị bom (tức là đặt nhưng không có người lấy). Đây cũng là tình trạng nhiều đơn vị bán hàng online gặp phải.
Trong khi đó, ông Phan Trọng Lê cho rằng khó khăn mà các doanh nghiệp thường gặp phải chính là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản tươi sống, bởi chất lượng các mặt hàng này thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Do đó, đòi hỏi quy trình xử lý các đơn hàng này phải nhanh hơn các mặt hàng khác. Quan trọng nhất chính là việc xử lý thời gian lưu thông hàng hóa.
Khó khăn nữa là giá cả của một số mặt hàng thay đổi theo thời gian, do đó người bán cần phải có sự linh hoạt về giá niêm yết trên sàn thương mại điện tử. Việc này thì nhiều người bán chưa quen khi thực hiện.
Để giải quyết khó khăn này, Postmart đã hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho người bán để khi đưa sản phẩm lên sàn với một mức giá phù hợp. Bên cạnh đó, postmart cũng miễn phí toàn bộ phí giao dịch trên sàn trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua đến hết năm nay.
Cũng theo ông Lê, thời gian qua các sàn thương mại điện tử đã nhận được nhiều hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, postmart cũng thiết lập các gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba hay Amazon để có thể quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Có thể nói, việc thay đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử là vấn đề then chốt để phát triển mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang thực hiện trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang bùng nổ tại nhiều lĩnh vực./.
https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-ban-le-bat-nhip-tieu-dung-thoi-cong-nghe-40/842541.vnp
Ý kiến ()