Giám sát chất lượng sản phẩm tại phân xưởng. Năm 2012 chứa đựng nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Quân đội do cắt giảm vốn đầu tư, thiếu việc làm, thị trường cạnh tranh gay gắt... Nhưng bằng sự nhạy bén, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) không chỉ ổn định sản xuất, bảo đảm mức tăng trưởng chung, một số đơn vị còn vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn Tổng cục đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt bảy triệu đồng/tháng.Chúng tôi đến với những người lính thợ Nhà máy Z125 (Z125) trong những ngày cả nước nghỉ Tết Dương lịch 2013. Thế nhưng, tại các phân xưởng nơi đây vẫn rền vang tiếng máy phay, máy tiện cùng không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Dường như phong trào "Hai người ba ca máy", "Mức chưa đủ, chưa về" thời chiến vẫn như hiện hữu. Phó Giám đốc, Đại tá Cù Đức Lam tiết lộ bí quyết đưa đơn vị vượt khó thành công: "Chúng tôi xác định, nhiệm...
Giám sát chất lượng sản phẩm tại phân xưởng. |
Năm 2012 chứa đựng nhiều thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Quân đội do cắt giảm vốn đầu tư, thiếu việc làm, thị trường cạnh tranh gay gắt… Nhưng bằng sự nhạy bén, các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) không chỉ ổn định sản xuất, bảo đảm mức tăng trưởng chung, một số đơn vị còn vượt mức chỉ tiêu kế hoạch, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất toàn Tổng cục đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt bảy triệu đồng/tháng.
Chúng tôi đến với những người lính thợ Nhà máy Z125 (Z125) trong những ngày cả nước nghỉ Tết Dương lịch 2013. Thế nhưng, tại các phân xưởng nơi đây vẫn rền vang tiếng máy phay, máy tiện cùng không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương. Dường như phong trào “Hai người ba ca máy”, “Mức chưa đủ, chưa về” thời chiến vẫn như hiện hữu. Phó Giám đốc, Đại tá Cù Đức Lam tiết lộ bí quyết đưa đơn vị vượt khó thành công: “Chúng tôi xác định, nhiệm vụ quốc phòng được ưu tiên số 1. Tuy nhiên, để đứng vững trong cơ chế thị trường, chúng tôi cần “đi bằng hai chân”, phát huy thế mạnh công nghệ truyền thống, tận dụng, khai thác năng lực thiết bị, tham gia sản xuất hàng hóa kinh tế, sản xuất theo đơn đặt hàng của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro, Xí nghiệp đóng tàu Ba Son, Thép Hòa Phát. Ngoài ra, nhà máy ký một số hợp đồng lớn từ đối tác nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, CH Séc…”.
Z125 hôm nay đổi thay đáng kể là nhờ những nỗ lực nội tại trong việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, mà trước hết là cải thiện điều kiện lao động. Công nhân Ngô Phương Thùy, 28 tuổi, làm việc tại nhà máy được sáu năm cho biết, hiện, thu nhập sáu triệu đồng/tháng. “Chúng em ngày càng gắn bó, yên tâm sản xuất là nhờ lãnh đạo nhà máy luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Không chỉ xây nhà ở cho công nhân, xây trường mầm non Hoa Súng để chúng em gửi con, yên tâm công tác, nhà máy còn tổ chức bữa ăn ca”.
Nhờ sự quan tâm thiết thực, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, người lao động nơi đây không chỉ yên tâm, gắn bó với đơn vị, mà từ những phân xưởng này, ba năm qua đã ra đời hơn một nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng. Thiếu tá Phạm Trọng Thủy, tổ trưởng tổ nguội được mệnh danh là “Vua” sáng kiến, người 36 năm gắn bó với nhà máy, tại phân xưởng dụng cụ 2 chia sẻ: “Từ khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, và thực hiện đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đã tạo ra phong trào thi đua lao động sôi nổi trong toàn đơn vị. Bản thân tôi, trung bình một năm có hơn năm cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng, làm lợi cho nhà máy, giảm công sức cho công nhân trong phân xưởng”.
Tạm biệt Nhà máy Z125, chúng tôi đến Nhà máy Z176 (Z176), một trong những đơn vị hàng đầu của Tổng cục về giá trị xuất khẩu. Giám đốc, Đại tá Nguyễn Xuân Khải đón chúng tôi bằng câu nói đầy tự tin: “Nếu ví suy thoái kinh tế như cái dốc đi xuống, thì việc doanh nghiệp vượt lên, tăng trưởng, chính là cuộc vượt đỉnh dốc ngoạn mục”. Năm năm qua, để tự tin thâm nhập vào thị trường thế giới, Z176 đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Thực hiện đồng bộ các yếu tố: chất lượng, hệ thống quản lý, giá cả cạnh tranh và đúng tiến độ. Thực tế, nhiều năm qua, nhà máy là đối tác tin cậy của Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), chuyên sản xuất các sản phẩm túi đựng dùng cho hệ thống siêu thị tại thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… Năm 2011, doanh thu xuất khẩu của nhà máy đạt 25 triệu USD (tăng hai, ba lần so năm 2007). Trong sáu tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất của nhà máy vượt 20%, lợi nhuận vượt 23,2%.
Với quan điểm gốc của công việc xuất phát từ yếu tố con người, Z176 luôn quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, trọng dụng nhân tài. Câu chuyện về công nhân Nguyễn Thế Tuyền “cây sáng kiến” là một thí dụ. Cách đây năm năm, Tuyền từ Nam Định vào nhà máy xin thử việc. Sau một tháng, Tuyền được ký hợp đồng thời hạn. Chỉ một năm sau, anh được ký hợp đồng không thời hạn. Do có những chính sách đãi ngộ tốt, được đầu tư học hỏi, nâng cao tay nghề, Tuyền trở thành thợ tay nghề cao, luôn đạt gấp đôi định mức. Hiện, Tuyền là tổ trưởng dây chuyền với 56 công nhân, mức lương bình quân gần năm triệu đồng người/tháng. Nhìn những người thợ khoác áo lính miệt mài bên những chiếc máy may công nghiệp, chúng tôi tin lời khẳng định của Đại tá Khải: “Chúng tôi luôn chú trọng việc nhân bản một công nhân Tuyền, thành 10 đến 100 công nhân Tuyền khác tại tất cả các phân xưởng. Họ chính là đòn bẩy kinh tế thúc đẩy sự phát triển đi lên của nhà máy”.
Theo Chính ủy, Đại tá Minh Tiệp thăm khu văn phòng, khu sản xuất trong không khí làm việc khẩn trương chứng kiến cán bộ, công nhân viên nô nức bắc rạp, kê 300 bộ bàn ghế tổ chức buổi liên hoan toàn đơn vị, đồng nghiệp của tôi phải thốt lên: “Dường như suy thoái kinh tế không lọt được tới nơi này”. Trung bình, mỗi năm, cán bộ, công nhân viên nhà máy được hưởng cao nhất 17 tháng lương cơ bản. Tin vui trong dịp Tết Nguyên đán này, mỗi người lao động được thưởng ba tháng lương cơ bản. Ngoài ra, công đoàn nhà máy tặng thêm túi quà trị giá một triệu đồng. Ngày ra quân đầu năm, người lao động còn được “lì xì” 500 nghìn đồng. Quả là một cái Tết đáng mơ ước của nhiều người lao động trong các doanh nghiệp vốn lao đao bởi suy thoái kinh tế. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho 1.500 lao động của Nhà máy Z176 còn tạo công ăn việc làm cho 2.500 hộ gia đình tại các địa phương và địa bàn giáp ranh, với mức thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng người/tháng, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Trong đội hình “đội quân sản xuất” của Tổng cục công nghiệp hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp năng động, sáng tạo, gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực xây dựng kinh tế đất nước. Không chỉ là Z176, Z125, năm qua nhiều nhà máy trong Tổng cục đã vững vàng trong gian khó, phát triển, vượt chỉ tiêu sản xuất so kế hoạch như Z117, Z121, Z189, Công ty đóng tàu Hồng Hà, Xí nghiệp Liên hiệp Sông Thu…
Theo Nhandan
Ý kiến ()