Đoàn viên sáng tạo trong sản xuất
(LSO) – Năng động, sáng tạo, giàu đam mê và ý chí khát vọng vươn lên là nhận xét của mọi người dành cho chị Bế Thị Lan Anh, thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Chị được biết đến là chủ của một mô hình kinh tế hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Lan Anh sinh năm 1984, quê gốc ở thôn Hang Đông, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định. Năm 2012, sau khi lập gia đình, chị về xã Đình Lập, huyện Đình Lập làm dâu. Trong quá trình làm nghề thu mua nông sản như: gạo, ngô, chị thấy nhu cầu tiêu thụ bún khô của huyện khá cao. Trong khi các đại lý phải nhập hàng từ các huyện và tỉnh khác về bán, chị nảy ra ý định học nghề làm bún. Nghĩ là làm, đầu năm 2013, chị gom hết số vốn tích góp được (khoảng 30 triệu đồng) để đầu tư cho sản xuất.
Chị Lan Anh kiểm tra sản phẩm bún ngô trước khi đóng gói
Ban đầu, tự mày mò, học hỏi, chị trải qua không ít lần thất bại nhưng cứ hỏng chị làm lại, không nản chí. Trải qua 3 tháng ròng tự nghiên cứu với số nguyên liệu thực hành bị hỏng lên đến hơn 2 tấn, cuối cùng chị đã có sản phẩm hoàn chỉnh.
Để sản phẩm bún khô tiếp cận với thị trường, chị đi mời chào các cửa hàng, đại lý trong huyện. Ban đầu chị đem “ký gửi” hàng tại một số cửa hàng, sau đó 2 tuần mới quay lại để hỏi về lượng tiêu thụ và phản hồi của khách.
Chị Lan Anh chia sẻ: Để có sản phẩm ngon cần làm từ cái tâm của người sản xuất và phải có “bí quyết” riêng. Ví dụ như ở các nơi khác đa phần mọi người nghiền bột nước, còn tôi lại nghiền bột khô để giữ lại nguyên tinh bột và vị ngọt của hạt gạo. Đồng thời, tôi cũng đặt ra các nguyên tắc cho mình như: phải chọn gạo ngon, chất lượng tốt; tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia; không dùng chất bảo quản… để mang tới các sản phẩm ngon, chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng.
Khi đã có thị trường tiêu thụ ổn định, năm 2017, từ món cháo ngô truyền thống của quê mình, chị Lan Anh có ý tưởng nghiên cứu sản xuất ra bún ngô. Theo chị chia sẻ, sản phẩm bún ngô cầu kỳ hơn trong cách làm, nhất là khâu sơ chế nguyên liệu. Để bún ngon, ngô phải được ngâm và chắt lọc rất nhiều lần.
Dấu mốc lớn nhất trong quá trình làm nghề của chị là năm 2017, khi lần đầu tiên chị được tham dự Hội chợ thương mại Việt Trung tại thành phố Lạng Sơn. Tiếp sau đó, chị được tạo điều kiện tham gia các chương trình hội chợ tại các tỉnh bạn. Từ đó, chị mở rộng thêm được thị trường, kết nối với nhiều bạn hàng mới.
Trước đây, trung bình chị chỉ sản xuất từ 1 đến 1,2 tấn bún khô/tháng và chỉ bán trong huyện thì từ năm 2018 đến nay, bình quân chị xuất từ 8 đến 10 tấn bún khô/tháng đến các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Bình Phước… Vào thời gian cao điểm, chị sản xuất từ 1 đến 1,5 tấn/ngày và phải sử dụng từ 8 đến 10 nhân công. Hiện nay, trừ chi phí chị có thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Năm 2019, sản phẩm bún ngô Thuận Anh của chị Lan Anh được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao; chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019…
“Đồng chí Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh là đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của huyện. Đồng chí rất năng động, nhiệt tình, chủ động nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia tích cực vào các nội dung tập huấn khởi nghiệp. Đồng chí cũng là tấm gương tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, là tấm gương để đoàn viên thanh niên học tập. Anh Nông Đức Vượng, Bí thư Huyện đoàn Đình Lập |
Ý kiến ()