Đoàn viên năng động phát triển kinh tế
(LSO) – Đó là anh Vi Văn Hoàng, sinh năm 1988 ở thôn Quyết Tiến, xã Bính Xá, huyện Đình Lập. Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, từ hai bàn tay trắng, đến nay anh đã gây dựng cho mình một mô hình kinh tế hiệu quả với thu nhập bình quân 400 triệu đồng/năm.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp lớp 12 anh Hoàng đi làm một số công việc trong huyện để phụ giúp gia đình có thu nhập như: cân nhựa thông, làm công nhân khai thác gỗ rừng trồng…
Năm 2009, anh Hoàng lập gia đình ra ở riêng. Được bố mẹ chia cho 4 ha rừng, vợ chồng anh xác định phát triển trồng rừng để có thu nhập ổn định, lâu dài. Là một người trẻ tuổi, ham học hỏi nên bên cạnh việc chăm sóc rừng thông đã có, anh Hoàng tích cực trồng mới thêm thông, keo, bạch đàn. Thời điểm đó, tại xã Bính Xá người dân đa phần chỉ trồng cây thông. Anh Hoàng qua tìm hiểu, học hỏi ở các xã bạn đã mạnh dạn đầu tư trồng mới cây keo, bạch đàn, kết hợp chăm sóc bón phân để nâng cao chất lượng rừng trồng.
Anh Vi Văn Hoàng, thôn Quyết Tiến, xã Bính Xá, huyện Đình Lập kiểm tra độ ẩm của ván bóc
Nhờ chăm chỉ, nỗ lực, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn, chỉ sau 5 năm ngoài diện tích rừng được bố mẹ chia, anh Hoàng còn mua thêm được hơn 20 ha rừng. Từ đó, hằng năm anh mở rộng diện tích rừng trồng, nâng tổng diện tích rừng của gia đình hiện nay lên gần 30 ha.
Anh Hoàng tâm sự: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó, bao đời nay các gia đình trong xã, trong thôn chủ yếu chỉ dựa vào rừng để sống. Vì vậy, trong thời gian ra ngoài quan sát, học hỏi, tôi nghĩ để phát triển lâu dài mình phải tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để kết hợp giữa sản xuất gắn với chế biến. Năm 2015, tôi mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 50 triệu đồng để đầu tư xưởng xẻ gỗ. Việc mở xưởng vừa giúp gia đình có thêm thu nhập, đồng thời lại giúp bà con trong thôn, xã có chỗ tiêu thụ gỗ rừng trồng và tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương.
Trong thời gian mở xưởng xẻ, với sự năng động, nhạy bén của mình, trong các lần đi giao hàng, anh Hoàng kết hợp liên hệ khách hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng đến mục tiêu thành lập thêm xưởng bóc gỗ. Từ đó, anh chú trọng nghiên cứu nhu cầu của thị trường, chất liệu gỗ; các tiêu chuẩn về kích thước, nhiệt độ…để thành phẩm đạt yêu cầu. Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu năm 2019, anh chính thức mở xưởng bóc gỗ. Hiện nay, xưởng duy trì khối lượng công việc bóc khoảng 150 m3/tháng với thị trường ổn định ở các tỉnh thành: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang và xuất sang Trung Quốc.
Cũng theo đó, từ khi mở thêm xưởng bóc gỗ đến nay, ngoài việc thu mua gỗ của bà con trong xã anh còn thu mua thêm gỗ ở các xã bạn. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động quanh năm với mức lương từ 5-8 triệu đồng/người/tháng; 6 lao động thời vụ với mức lương bình quân 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Anh Vi Văn Hoàng là đoàn viên tiêu biểu của Đoàn Thanh niên xã Bính Xá bởi sự năng động trong sản xuất kinh doanh, dám nghĩ, dám làm; sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Là một người trẻ tuổi năng động, sáng tạo, anh Hoàng là người đầu tiên mở xưởng gỗ bóc trên địa bàn xã giúp người dân trong xã có địa chỉ tiêu thụ gỗ rừng trồng ổn định, thiết thực. Từ mô hình kinh tế này, rất nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã đã có thêm động lực để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với những cố gắng, nỗ lực của mình, năm 2016, anh Hoàng đã vinh dự được nhận bằng khen của Tỉnh đoàn dành cho thanh niên khởi nghiệp xuất sắc.
Ý kiến ()