Đoàn Văn Thụ - cây đại thụ của ngành khoa học Việt Nam
LSO-Năm 2012, hơn 80 tuổi, ông Đoàn Văn Thụ (tiến sỹ khoa học đầu tiên của Lạng Sơn), nguyên Phó ty Y tế Cao Lạng, nguyên Phó ty Y Tế Lạng Sơn, nguyên Phó Ban khoa học kinh tế tỉnh Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho công trình khoa học “Động vật chí Việt Nam và thực vật chí Việt Nam, sách đỏ và danh mục đỏ Việt Nam”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp của ông cho nền khoa học Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Thụ với bộ sách “Động vật chí Việt Nam” |
Ông Đoàn Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh năm 1932 tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn (trước thuộc huyện Cao Lộc), tỉnh Lạng Sơn. Được cử sang Liên Xô học tập, khoảng thời gian 10 năm học tập và nghiên cứu bên nước bạn, ông Thụ đã đăng ký học chuyên khoa Y học về côn trùng, ký sinh trùng. Đây là khoảng thời gian liên tiếp ông Thụ chinh phục thành công tấm bằng đại học và học vị tiến sỹ tại Viện Động vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô – Thành phố Lê-nin-grát (Liên Xô cũ). Trong hành trình chinh phục học vị tiến sỹ, với những lý do và quan điểm riêng của mình, ông Đoàn Văn Thụ đã lựa chọn đề tài luận án tiến sỹ của mình là “Nghiên cứu dịch tễ về Bộ Ve vét Việt Nam”.
Tâm sự về dự án nghiên cứu khoa học của mình, ông Thụ cho biết, ve là những chân đốt hút máu của tất cả các động vật có xương sống ở cạn, trong đó có cả con người. Người ta đã phát hiện vai trò truyền bệnh của ve từ 100 năm trước Công nguyên. Bắt đầu từ thế kỷ 19, nhiều nhà khoa học nước ngoài như Latreille, Later, Hermann, Leach, Von Heyden, Sundevall, Duges… mới phân chia ve thành một số giống, họ và tiến hành nghiên cứu kỹ hơn về các loại ve. Tuy nhiên, với khí hậu đặc thù như ở Việt Nam, còn rất nhiều loại ve mà các nhà khoa học trên thế giới chưa biết. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu bộ ve vét đối với ngành y học, đặc biệt là lĩnh vực dịch tễ, nên ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Méc-nhích-kô-va (Liên Xô cũ) với tấm bằng loại giỏi, ông được phép tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, bắt đầu tư thời điểm này, ông đã tìm tòi và nghiên cứu về các loại ve, mạt của Việt Nam. Sau khi cầm tấm bằng tiến sỹ, trở về nước, ông Đoàn Văn Thụ được công tác tại Viện Sốt rét ký sinh trùng – công trùng, tại đây, ông và đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu bộ động vật chí Việt Nam. Công trình khoa học của ông và đồng nghiệp đã phát hiện được 47 loài và phân loài ve cứng và ve mềm thộc 8 giống ở miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, ông Đoàn Văn Thụ đã phát hiện 7 loài và phân loài mới phát hiện lần đầu tiên cho khoa học. Đánh giá về công trình nghiên cứu khoa học về động vật chí Việt Nam của ông Đoàn Văn Thụ, tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, đây là một công trình điều tra, nghiên cứu một cách có hệ thống về các loài ve ký sinh trên các động vật hoang dã và trên các động vật nuôi, tấn công cả người đi rừng ở miền Bắc Việt Nam. Việc phát hiện ra các loại mới, đặc tính của các loài ve đã giúp cho ngành y học Việt Nam nghiên cứu ra các loại dược phẩm, vắc-xin phù hợp để phòng, chống các loại bệnh do ve gây nên. Đúng như lời đánh giá của lãnh đạo Sở KH&CN, chưa tính đến việc phát hiện ra các loài ve mới, chỉ tính riêng về việc nghiên cứu hệ mạt, trước kia chỉ có Viện Pasteur Đông Dương chú ý đến dịch tễ học của mạt. Năm 1969, ngay khi nhận học vị tiến sỹ, ông Đoàn Văn Thụ đã công bố về “khu hệ mạt miền Bắc Việt Nam”, sau này, các Viện sốt rét, ký sinh trùng đã lấy đó làm nền móng để nghiên cứu ra các loại vắc-xin phòng, chống bệnh sốt rét. Sau này khi được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt thì luận án tiến sỹ này được coi như một tài liệu chính thống để sử dụng vào nghiên cứu, giảng dạy, khai thác và bảo vệ nguồn lợi sinh vật, tính đa dạng sinh học của nước ta. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong nước, công trình khoa học nghiên cứu về loại ve vét đã đem lại những cái nhìn rất mới, những khám phá quan trọng về những loại ký sinh trùng có khả năng gây bệnh ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Nó là cuốn tài liệu quý giá giúp cho các nhà khoa học, các y, bác sỹ hiểu thêm về những loại ký sinh trùng, khả năng lây bệnh và sinh trưởng, phát triển của chúng…từ đó sẽ có biện pháp phòng trừ hiệu quả những ký sinh trùng gây hại cho con người. Với những phát hiện mới và những đóng góp quan trọng trong ngành sinh học cũng như nghành khoa học, công trình khoa học dài 600 trang của ông Đoàn Văn Thụ đã được Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật xuất bản và trở thành tập 11 trong bộ sách Động vật chí, Thực vật chí Việt Nam.
Chính với bộ sách này, ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ là những giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học – công nghệ được trao tặng cho các nhà khoa học, tác giả của các công trình khoa học – công nghệ xuất sắc, có giá trị cao, có tác dụng lớn và lâu dài trong đời sống đồng thời góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ý kiến ()