Đoàn Văn Thọ - Người góp phần xây dựng và phát triển Đảng ở tỉnh Lạng Sơn thời kỳ đầu thành lập
– Giữa năm 1933, một sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra tại Lạng Sơn, đó là sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, một mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Người đi cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ về Thuỵ Hùng làm công tác phát triển đảng là Đoàn Viết Thọ, tức Đoàn Văn Thọ, Vi Đức Minh – một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh có nhiều đóp góp trong việc xây dựng và phát triển đảng ở Lạng Sơn thời kỳ còn “trứng nước”.
Ông Đoàn Văn Thọ và các đồng chí đã cùng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc. Từ trái sang phải: đồng chí Đại, Mã Khánh Phương, Mã Thị Phảy, Lương Việt Hoa, Đoàn Văn Thọ (Vi Đức Minh), Hà Khai Lạc, Lình Tắc Sồi, Bùi Ngọc Thành
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Lạng Sơn, chụp năm 1966)
Ông Đoàn Văn Thọ người dân tộc Tày, sinh năm 1907 ở thôn Còn Pheo, xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc, do ông thuộc dòng họ Đoàn Viết ở Còn Pheo nên có lúc ông đã mang tên Đoàn Viết Thọ. Ông Đoàn Thanh Tùng, con trai thứ của ông (sinh năm 1957), nguyên Bí thư Chi bộ thôn Còn Pheo thời kỳ 2010-2017 cho biết: Năm1930, sau một thời gian sang Long Châu hoạt động, bố tôi đã đổi tên từ Đoàn Văn Thọ thành Vi Đức Minh để tránh bị truy nã. Từ đó, trong suốt thời gian hoạt động ở Trung Quốc bố ông đều lấy tên này, mãi đến khi trở về sinh sống, làm việc tại quê hương ông mới dùng lại tên cũ. Do đó, ngày nay đa phần các sách báo, tư liệu thường ghi tên ông là Vi Đức Minh. Quá trình hoạt động ông còn có bí danh là Vân Thắng.
Quê hương Đoàn Văn Thọ nằm ở gần biên giới Việt – Trung, chỉ cách thành phố Lạng Sơn khoảng 12 km, cách lối rẽ từ quốc lộ 1A đi Phú Xá khoảng 3 km. Năm 1926, ông được gia đình cho ra tỉnh học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt, nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri đang học ở đó. Tại đây, ông đã nhiệt tình tham gia nhóm thanh niên yêu nước do đồng chí Hoàng Văn Thụ lập nên. Khi ông học xong cũng là lúc phong trào xuất dương tìm đường cứu nước của thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Lạng Sơn đang diễn ra sôi nổi. Theo chân những người bạn học cùng chí hướng ở Trường Tiểu học Pháp – Việt là Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, năm 1929 Đoàn Văn Thọ tìm đến với tổ chức cách mạng ở bên kia biên giới qua đường Lũng Nghịu. Những ngày đầu, như những người dân lao động khác, ông đi bán than, bán bánh bao để kiếm sống. Rồi từ đó mới bắt đầu tham gia các hoạt động của người Việt Nam yêu nước ở đây. Bởi Long Châu lúc này đã trở thành địa bàn hoạt động quan trọng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và nhiều người Việt Nam yêu nước như Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… Ông vừa dạy chữ và tiếng Trung cho những người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn sinh sống vừa tham gia hoạt động cách mạng. Khoảng năm 1929 – 1930, ông bắt đầu làm công nhân tại xưởng dệt khăn mặt ở số 7 – số 9 phố Hợp Long Kiều (nay là phố Long Giang, thị trấn Long Châu). Đây là một trong những cơ sở bí mật, trạm liên lạc quan trọng của những người cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Bên ngoài đặt máy dệt bán sản phẩm lấy tiền hoạt động, mua sắm vũ khí nhưng bên trong là nơi in ấn tài liệu, huấn luyện của những người Cách mạng. Tại đây, ông đã tham gia tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng, được đồng chí Hoàng Văn Thụ tận tình hướng dẫn in ấn tài liệu.
Một thời gian sau, ông chuyển sang làm ở xưởng cơ khí Nam Hưng – một cơ sở khá nổi tiếng ở đường Cộng Hoà (thành phố Nam Ninh, Quảng Tây) do ông Bùi Ngọc Thành – người của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sáng lập. Xưởng vừa làm kinh tế để chăm lo đời sống cho anh em, vừa là nơi giữ liên lạc giữa các nhóm hoạt động. Tại đây, ông đã có những tháng ngày làm công nhân cơ khí cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri. Ông được học nghề từ kỹ sư Vi Nam Sơn, một người có tay nghề giỏi, nguyên là học sinh cũ của Trường kỹ nghệ thực hành Hà Nội. Theo hồi ký của nhà cách mạng Hồ Đức Thành (tức Bích Tùng) hoạt động cùng thời với ông ở Long Châu, lúc đó ông, đồng chí Hoàng Văn Thu, Lương Văn Tri là ba công nhân tiếp thu tốt nhất của xưởng. Từ đó, ông đã học được cách chế tạo vũ khí, sử dụng hoá chất, sau này vận dụng và có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam ở lĩnh vực này. Một phần tiền kiếm được từ hoạt động kinh doanh của xưởng gửi lên Long Châu để mở các lớp huấn luyện Cách mạng. Thời kỳ này, đồng chí Hoàng Văn Thụ chuyển sang làm ở Tu giới sở (còn gọi là Tu pháo sở) của Quốc dân Đảng chuyên sửa chữa súng, pháo. Với uy tín của mình, đồng chí đã đưa được nhiều người của ta vào làm việc tại đây. Do có tay nghề vững, ông Đoàn Văn Thọ đã được xưởng cơ khí Nam Hưng cử đến làm việc với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nhờ đó hai người đã đi lại dễ dàng ở vùng biên giới, thuận lợi hơn trong hoạt động cách mạng.
Năm 1931, những người cách mạng Việt Nam thuê nhà số 74 phố Nam, thi trấn Long Châu (Nay là di tích Cơ quan bí mật của Đảng cộng sản Việt Nam và nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh) để làm địa điểm liên lạc và hoạt động nhưng chỉ được một thời gian thì bị lộ. Trong bài viết “Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam ở Long Châu” của tác giả Hoàng Hoa Sinh có đoạn: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ phái Vi Đức Minh đến Hạ Đống tìm Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân để liên hệ. Sau đó Hoàng Văn Thụ và một số người đã chuyển đến nhà Nông Kỳ Chấn ở Nà Tạo”. Từ đó Nà Tạo và các làng, bản lân cận ở vùng Hạ Đống đã trở thành địa bàn hoạt động quan trọng của cách mạng Việt Nam ở Hải ngoại cho tới tận năm 1944. Nhà ông Nông Kỳ Chấn (bản Nà Tạo), Phan Toàn Trân (Nà Thành), Hoàng Bính Chi (Bản Cát) là những cơ sở quần chúng tin cậy, tích cực giúp đỡ cách mạng Việt Nam, nơi Bác Hồ và đồng chí Hoàng Văn Thụ thường qua lại hoạt động, lưu trú nhiều năm sau đó.
Năm 1932, ông được kết nạp Đảng, trở thành lớp đảng viên đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri. Giữa năm 1933, theo sự phân công của tổ chức, ông đã cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ về chính quê hương ông: thôn Còn Pheo, xã Thuỵ Hùng, châu Văn Uyên (nay là huyện Cao Lộc) để làm công tác phát triển Đảng. Tại đình Háng Pài, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã công bố thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn gồm 5 đảng viên: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo, Mã Khánh Phương. Chi bộ Thuỵ Hùng do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư đảm nhận vai trò là nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn. Đây là mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành mạnh mẽ của phong trào cách mạng Lạng Sơn. Cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ, ông Đoàn Văn Thọ đã “gieo những hạt giống đỏ” đầu tiên trên quê hương Xứ Lạng. Ngày 22/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 101/NQ-TU lấy thời gian thành lập chi bộ Thụy Hùng là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – ngày 15/6/1933. Sự kiện đầy ý nghĩa này có một phần đóng góp quan trọng của ông Đoàn Văn Thọ, tức Đoàn Viết Thọ, Vi Đức Minh.
Năm 1934, việc ấn loát tài liệu Cách mạng chuyển từ xưởng dệt khăn mặt về hang Áng Cúm. Trở thành thành viên Ban soạn thảo truyền đơn, ông Đoàn Văn Thọ đã tích cực in ấn tài liệu phục vụ tuyên truyền Cách mạng ở vùng biên giới. Năm 1939, ông kết hôn với bà Chu Thị Lương, người thị trấn Long Châu (Trung Quốc). Bà làm nhiệm vụ bán khăn mặt ở cùng xưởng dệt với ông trên phố Hợp Long Kiều. Năm 1941, như nhiều nhà cách mạng khác, ông cùng vợ trở về Pác Bó (Cao Bằng), nơi Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Từ đây, ông có thêm bí danh Vân Thắng. Với tay nghề cơ khí giỏi từ thời còn ở xưởng Nam Hưng, được đào luyện thêm ở Tu giới sở, ông đã bắt tay vào rèn giáo mác, sửa chữa súng cho cách mạng. Theo tác giả Trần Tiệu viết trong Tạp chí “Xưa và nay” số 261 (tháng 6/2006) của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, năm 1943 ở xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, Cao Bằng đã có tổ sửa chữa súng do vợ chồng Vạn Thắng (Vân Thắng) – Chu Thị Lương phụ trách. Mùa xuân 1944, theo chỉ đạo của Bác Hồ, công binh xưởng Lũng Hoàng được thành lập trong dãy núi đá Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) do đồng chí Đặng Văn Cáp phụ trách. Xưởng có nhiệm vụ sửa chữa súng cho du kích và nghiên cứu chế thử mìn, lựu đạn trang bị cho du kích và cán bộ hoạt động bí mật. Nhiều tài liệu sách, báo, tạp chí đều ghi xưởng có 6 người, trong đó có ông Đoàn Văn Thọ. Chỉ với những chiếc bễ, than củi, đe, búa, cây thép khoan nòng súng nhưng họ đã đảm nhiệm tốt việc sửa chữa súng cho các đội du kích, cán bộ hoạt động bí mật, các đội võ trang ở các địa phương. Thời gian sau còn nghiên cứu chế tạo đạn, địa lôi. Xưởng cơ khí Lũng Hoàng trở thành một trong hai xưởng sản xuất vũ khí nổi tiếng nhất miền Bắc thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xưởng cơ khí Lũng Hoàng mang tên mới là Quân xưởng Lê Tổ. Đồng chí Lê Văn Cáp, Vi Nam Sơn là những người từng được giao phụ trách xưởng này. Trong suốt thời kỳ làm ở đây, ông Đoàn Văn Thọ và vợ đã tích cực tham gia vào việc sửa chữa súng, chế tạo vũ khí thô sơ cung cấp cho cách mạng. Năm 1946 ông Đoàn Văn Thọ được cử sang Trung Quốc giúp Hồng quân Trung Quốc chiến đấu với Quốc dân Đảng. Năm 1949, khi Hồng quân chiến thắng, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời, ông trở về Pác Bó tiếp tục làm việc tại xưởng quân khí Lê Tổ, phụ trách về kỹ thuật.
Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông cùng vợ con trở lại quê hương (thôn Còn Pheo, xã Thuỵ Hùng, huyện Cao Lộc) sinh sống. Từ năm 1957, ông làm việc ở Ty Thuỷ sản trên cương vị Trưởng ty cho tới năm 1966 thì được nghỉ chế độ. Cũng trong năm đó, nhân dịp Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) tổ chức chụp ảnh tư liệu những người hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông có dịp hội ngộ với nhiều đồng chí của mình thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc như: Bùi Ngọc Thành, Mã Khánh Phương, Mã Thị Phảy, Đường Văn Thức (Thất), Lình Tắc Sồi,… Năm 1983, ông Đoàn Văn Thọ mất, năm 2004 vợ ông là bà Chu Thị Lương cũng qua đời tại Còn Pheo.
Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của ông đối với Cách mạng Việt Nam, ngày 21/3/1999, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng ông Đoàn Văn Thọ phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba vì “Đã có công lao đóng góp vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc”. Quá trình hoạt động của ông gắn bó mật thiết với đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều nhà hoạt động cách mạng tên tuổi của Việt Nam những năm trước và sau khi thành lập Đảng. Ông đã lặng thầm cùng các đồng chí của mình góp những “viên gạch hồng” đầu tiên làm nên truyền thống cách mạng trung dũng, kiên cường của quê hương Xứ Lạng, góp phần tô thắm trang sử 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023).
Ý kiến ()