Đoàn Thanh niên Văn Lãng: Quản lý hiệu quả nguồn vốn vay
LSO - Không chỉ quan tâm đến các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Đoàn Thanh niên huyện Văn Lãng còn quản lý tốt nguồn vốn ủy thác hỗ trợ hộ nghèo mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Anh Bế Văn Kiên, Bí thư Huyện đoàn Văn Lãng cho biết: Tổ chức đoàn của huyện bắt đầu tiếp nhận các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được chuyển giao từ các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn vào năm 2008 với tổng dư nợ trên 6 tỷ đồng. Hầu hết các tổ TK&VV được chuyển giao này đều là những tổ hoạt động yếu kém, tỷ lệ dư nợ cao, hội viên vay vốn đều ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại khó khăn. Cùng với đó, đại đa số đều là những hộ thanh niên mới tách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên người dân chưa có định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế, việc quản lý sử dụng vốn còn gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm đoàn...
LSO – Không chỉ quan tâm đến các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, Đoàn Thanh niên huyện Văn Lãng còn quản lý tốt nguồn vốn ủy thác hỗ trợ hộ nghèo mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Anh Bế Văn Kiên, Bí thư Huyện đoàn Văn Lãng cho biết: Tổ chức đoàn của huyện bắt đầu tiếp nhận các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được chuyển giao từ các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn vào năm 2008 với tổng dư nợ trên 6 tỷ đồng. Hầu hết các tổ TK&VV được chuyển giao này đều là những tổ hoạt động yếu kém, tỷ lệ dư nợ cao, hội viên vay vốn đều ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đường giao thông đi lại khó khăn. Cùng với đó, đại đa số đều là những hộ thanh niên mới tách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên người dân chưa có định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế, việc quản lý sử dụng vốn còn gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm đoàn thanh niên tiếp nhận, đến nay, tổng dư nợ trong toàn đoàn đạt trên 13 tỷ đồng với 806 hộ được vay vốn, tại 33 tổ TK&VV. Hiện nay, 100% xã, thị trấn đều có tổ TK&VV do thanh niên đứng ra nhận ủy thác, số nợ quá hạn chỉ chiếm 0,4% (do 1 hộ vay xuất khẩu lao động gặp rủi ro).
Ngân hàng CSXH giao dịch ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng
Ảnh: LĂNG BÍCH
Xác định phải quản lý tốt nguồn vốn xây dựng uy tín với Ngân hàng Chính sách xã hội, ngay từ khi tiếp nhận các tổ TK&VV, Huyện đoàn đã rà soát, tìm hiểu những khó khăn của các tổ để từng bước tìm hướng tháo gỡ, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những tổ vay vốn hoạt động chưa tốt. Huyện đoàn đã phối hợp với cán bộ ngân hàng đến từng hộ tìm hiểu hoàn cảnh kinh tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để có định hướng đúng cho họ. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm thực hiện, hàng năm, Huyện đoàn đều phối hợp kiểm tra 33/33 tổ TK&VV. Qua đó đã giúp cho người vay vốn có ý thức cao hơn trong việc sử dụng đồng vốn vay. Do vậy, 100% số hộ sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tổ viên tự ý thức được trách nhiệm trong việc hoàn trả gốc, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng xâm tiêu, vay ké, vay hộ… Để làm được như vậy, Huyện đoàn Văn Lãng đã chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tổ trường tổ TK&VV, bí thư đoàn xã về 6 công đoạn, 12 nghiệp vụ trong công tác vay vốn. Tăng cường hướng dẫn người dân phương pháp quản lý và sử dụng nguồn vốn; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương pháp trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để tổ viên học tập. Qua đó, người dân đã tự định hướng cho mình đầu tư phát triển những cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, Huyện đoàn đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ vay tham gia tổ tiết kiệm, tuy mới chỉ dừng lại ở con số gần 70 triệu đồng song điều đáng nói là ý thức của người dân về sử nguồn vốn và trách nhiệm hoàn trả gốc, lãi cho ngân hàng được nâng lên. Điển hình như gia đình ông Nông Văn Bầu, thôn Bản Pẻn, xã Hội Hoan vay 5 triệu đồng đầu tư chăn nuôi từ năm 2010, đều đặn mỗi tháng ông gửi 100 nghìn đồng vào tổ tiết kiệm. Theo tính toán của ông, đến năm 2013 (thời hạn hoàn trả gốc cho ngân hàng), ông sẽ có số tiền trên 3 triệu đồng, như vậy, chỉ cần thêm hơn 1 triệu đồng là có thể hoàn trả tất cả vốn và lãi cho ngân hàng đúng thời hạn. Ông tâm sự, tính ra mỗi tháng tiết kiệm một ít, sau 3 năm đã có một khoản kha khá gần đủ thanh toán cho ngân hàng, số tiền thu được từ chăn nuôi đã là tiền của mình, vậy là không phải đi vay mà vẫn có vốn để tiếp tục chăn nuôi.
Được biết, tổng kết 10 năm hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2003 – 2012 của huyện Văn Lãng, tổ chức đoàn được đánh giá cao trong công tác quản lý và sử dụng vốn. Anh Bế Văn Kiên cho biết thêm: nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người dân nói chung, thanh niên nói riêng còn rất lớn, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ thanh niên, nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hoàng Vương
Ý kiến ()