Đoàn Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện của APF
Bên cạnh việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các báo cáo chuyên đề, Phân ban Việt Nam đã trao đổi kinh nghiệm về những hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF, phát biểu tại Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện APF theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)
Tối 31/5, theo giờ Hà Nội, Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện trong khuôn khổ các hội nghị giữa kỳ của Liên minh Nghị viên Pháp ngữ (APF) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF, làm Trưởng đoàn, đã tham gia từ điểm cầu Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có khoảng 30 đại biểu là các nghị sỹ từ các phân ban thành viên APF, đại diện Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và một số tổ chức quốc tế. Ông Joël Godin, Chủ tịch Ủy ban, chủ trì Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nghe tóm tắt hoạt động của Ủy ban trong tổng thể hoạt động của các cơ chế thuộc Liên minh nghị viện Pháp ngữ; trao đổi về tăng cường hợp tác liên nghị viện; thảo luận xây dựng các Báo cáo chuyên đề: Tổ chức hoạt động của các nghị viện trong bối cảnh đại dịch; Các ứng dụng theo dõi tiếp xúc nhằm kiểm soát dịch bệnh; Tăng cường mối liên hệ giữa các thể chế chính trị và người dân thông qua hoạt động nghị viện; các hội thảo sẽ được tổ chức về chủ đề: Công nghệ số và tin giả, ảnh hưởng của tin giả đối với hoạt động của nghị viện; ý kiến đóng góp của Ủy ban sẽ được đệ trình Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ dự kiến tổ chức tại Djerba, Tunisie (tháng 11/2021).
Bên cạnh việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các báo cáo chuyên đề, Phân ban Việt Nam đã trao đổi kinh nghiệm về những hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thông qua việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép: kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các biện pháp ứng phó trước tác động tiêu cực của đại dịch và duy trì các hoạt động thường xuyên của Quốc hội.
Phân ban Việt Nam cũng thông tin tới các đại biểu tham dự Hội nghị về thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Việt Nam cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Về việc sử dụng các ứng dụng để kiểm soát dịch bệnh, Phân ban cũng thông tin về việc sử dụng bộ ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là ứng dụng Bluezone giúp phát hiện, khoanh vùng sớm, truy vết tiếp xúc chính xác và được thiết kế tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người dùng.
Phân ban Việt Nam tham dự Hội nghị với tư cách Phó Chủ tịch APF nhiệm kỳ 2019-2021.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF, phát biểu tại Hội nghị Ủy ban các vấn đề nghị viện APF theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)
APF hiện nay có 88 phân ban thành viên (55 thành viên chính thức, 14 thành viên liên kết và 19 quan sát viên) và là một trong số ít các tổ chức liên nghị viện thứ hai (sau Liên minh Nghị viện thế giới) có thành viên đến từ khắp các châu lục.
APF cho phép kết nạp các nghị viện các Vùng tự trị, Nghị viện bang đối với các nhà nước liên bang.
Tổ chức Liên minh nghị viện này hoạt động thông qua kỳ họp Đại hội đồng (thường niên), các kỳ họp Ban Chấp hành, họp các Ủy ban (Ủy ban chính trị; Ủy ban các vấn đề nghị viện; Ủy ban giáo dục, truyền thông và các vấn đề văn hóa; Ủy ban Hợp tác-Phát triển), Mạng lưới Nữ nghị sĩ và Mạng lưới nghị sĩ trẻ. APF phân chia theo khu vực địa lý các Vùng: châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương.
Quốc hội Việt Nam là quan sát viên của Hiệp hội quốc tế các nghị sỹ sử dụng tiếng Pháp (AIPLF) từ năm 1974 và là thành viên chính thức APF năm 1991.
Với vai trò quan trọng và là thành viên tích cực của APF, Quốc hội Việt Nam liên tục được các phân ban thành viên APF tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch của tổ chức.
Kể từ năm 2015, theo đề xuất của Quốc hội Việt Nam để tránh Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch APF quá lâu, Vùng đã thực hiện cơ chế luân phiên các vị trí chủ chốt. Theo đó nhiệm kỳ 2015-2017, Việt Nam là Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF; nhiệm kỳ 2017-2019, Việt Nam là thành viên Hội đồng Điều hành mạng lưới nữ nghị sỹ APF.
APF đánh giá cao hoạt động của Việt Nam, khẳng định thông qua Việt Nam, APF có thể đẩy mạnh hoạt động của APF, tăng cường sự hiện diện của APF và tầm ảnh hưởng của khối Pháp ngữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 2/2019, Quốc hội Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị của Ủy ban Giáo dục, Truyền thông, Văn hóa (CECAC) và Mạng lưới Nữ nghị sỹ (RF) trong APF.
Trong thời gian gần đây, Phân ban Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của APF trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác liên nghị viện các nước thành viên với sự tham dự của nhiều tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ các nghị viện khó khăn hoặc mới được tái thiết sau khủng hoảng chính trị; đồng thời thể hiện tình đoàn kết và ủng hộ đối với các phân ban thành viên trước những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()