Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 vững vàng trên vùng biên Đông Bắc
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định như: Tình trạng tranh chấp đất đai, xâm canh, xâm cư, vượt biên trái pháp luật, buôn lậu qua biên giới vẫn thường xuyên xảy ra; các hoạt động truyền đạo trái phép, buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển và sử dụng ma túy… diễn biến phức tạp.
Cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 hướng dẫn nhân dân xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) trồng lúa nước. Ảnh: Thanh Sang. |
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, xác định rõ trách nhiệm chính trị, đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng dự án, đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đoàn đã tổ chức rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, giải phóng 1.644ha đất phục vụ di dân và đưa vào sản xuất; phối hợp với địa phương di dân được hơn 1.300 hộ, tách hộ tại chỗ được 600 hộ; giúp đồng bào ổn định đời sống, có đất sản xuất, hạn chế tình trạng đốt rừng làm nương. Hằng năm, đoàn mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng hải sản. Chỉ đạo các đơn vị gieo ươm cây giống cấp cho nhân dân trồng rừng.
Mỗi năm, đoàn cử hàng trăm lượt tổ đội công tác, nòng cốt là cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện xuống thôn, bản nắm tình hình; tích cực tham mưu giúp địa phương nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý địa bàn, củng cố QP-AN, đẩy mạnh sản xuất. Với phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để nhân dân làm theo”, đoàn chỉ đạo các đội sản xuất bám thôn bản, bám địa bàn, thực hiện bốn cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Công tác giáo dục, y tế được đoàn hết sức coi trọng. Các đơn vị trong toàn đoàn đã xây dựng được 30 trường học để bàn giao cho địa phương; mở được 8 lớp học văn hóa ở các bản giáp biên; phối hợp với các trường học vận động được gần 1000 em nhỏ trong độ tuổi đến trường; thường xuyên nhận đỡ đầu 8 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng cách hỗ trợ kinh phí để có điều kiện đến lớp và cấp sữa uống miễn phí cho 1 lớp học mầm non của xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hơn 30 nghìn lượt người với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Xuất phát từ đặc điểm của vùng dự án, bao gồm hầu hết các xã đặc biệt khó khăn về kinh tế, dân cư thưa thớt, là địa bàn trọng điểm về QP-AN. Đoàn đã phối hợp với địa phương bố trí, sắp xếp, ổn định lại dân cư, mở được 7 lớp giáo dục QP-AN; tham gia huấn luyện cho các trung đội DQTV các xã giáp biên, phối hợp với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần ổn định dân cư, ngăn chặn được tình trạng di cư tự do và truyền đạo trái phép. Các vùng trắng trên tuyến biên giới xưa kia nay đã hình thành các cụm dân cư mới, tạo nên “phên giậu” vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc.
Trong phòng, chống thiên tai, cán bộ, chiến sĩ đơn vị không quản ngại hy sinh, gian khổ, dũng cảm quên mình vì tính mạng, tài sản của nhân dân. Những năm qua, trên địa bàn xảy ra nhiều trận bão, lũ. Đặc biệt là cơn bão số 6 (2008), cơn bão số 14 (2013), kèm theo mưa lũ trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong suốt những ngày mưa lũ, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đơn vị vượt qua mưa gió, đói rét, dũng cảm bám địa bàn di dời người, tài sản của dân ra khỏi vùng tâm lũ, nhanh chóng khắc phục hậu quả… Những việc làm đó đã góp phần củng cố thêm lòng tin của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 ngày càng được nhân dân tin yêu, mến phục.
Ý kiến ()