Ðoàn kết xây dựng quê mới giàu đẹp
Chủ trương phát triển cây cao-su của Đảng ủy xã Đức Phú được nhân dân địa phương ủng hộ và đạt hiệu quả kinh tế cao. 30 năm trước là một xã không có đảng viên, giờ đây, Đảng bộ xã Đức Phú, huyện Tánh Linh ( Bình Thuận ) có 12 chi bộ với 137 đảng viên, nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh. Giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận trong toàn dân là yếu tố mấu chốt quyết định sự vững mạnh của Đảng bộ xã miền núi này...Nằm ở phía tây bắc huyện Tánh Linh, giáp với tỉnh Lâm Đồng, trước đây, Đức Phú là vùng rừng núi đất rộng, người thưa. Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, nhiều hộ dân từ miền trung, từ Phan Thiết đã đến đây định cư, lập nghiệp. Đầu tháng 7-1981, xã Đức Phú được thành lập, nhưng toàn xã chưa có một đảng viên nào, huyện Tánh Linh phải cử một tổ công tác lên đây bám trụ, xây dựng mọi thứ từ đầu. Cuối năm 1983, đầu...
|
Nằm ở phía tây bắc huyện Tánh Linh, giáp với tỉnh Lâm Đồng, trước đây, Đức Phú là vùng rừng núi đất rộng, người thưa. Sau ngày giải phóng, thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, nhiều hộ dân từ miền trung, từ Phan Thiết đã đến đây định cư, lập nghiệp. Đầu tháng 7-1981, xã Đức Phú được thành lập, nhưng toàn xã chưa có một đảng viên nào, huyện Tánh Linh phải cử một tổ công tác lên đây bám trụ, xây dựng mọi thứ từ đầu. Cuối năm 1983, đầu năm 1984, cả xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình ) đã di cư vào đây lập nghiệp và hình thành chi bộ đảng đầu tiên ở xã Đức Phú, với 42 đảng viên. Những ngày đầu còn 'lạ nước, lạ cái', bộ máy vận hành chưa thật nhịp nhàng, đồng bộ, cho nên việc lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng còn nhiều hạn chế, ì ạch. Không chấp nhận việc yếu kém kéo dài, toàn đảng bộ đã tập trung 'mổ xẻ' triệt để mọi vấn đề, tìm hiểu kỹ đâu là nguyên nhân của sự trì trệ, từ đó đưa ra giải pháp khả thi để khắc phục. Cùng thời điểm này, một số đảng viên là cán bộ quân đội nghỉ chính sách từ Quảng Bình cũng vào quê mới lập nghiệp, đã tăng cường thêm đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị ở Đức Phú. Nhìn nhận thấu đáo mặt mạnh, mặt yếu của mình, bộ máy ở xã hoạt động 'đều tay' hơn, Đảng bộ Đức Phú từng bước trở thành vững mạnh…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn đảng bộ và từng chi bộ ở Đức Phú là chăm lo cho nhân dân phát triển kinh tế để nhanh chóng thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả. Trước hết, với hơn 800 ha đất sản xuất lúa và hoa màu, Đức Phú đã bố trí lại mùa vụ, hướng dẫn, động viên nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích không ngừng được nâng lên. Hướng đi quyết định giúp bà con nhanh chóng vươn lên khá giả là chủ trương của Đảng ủy xã về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các loại cây công nghiệp phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, trong đó cây cao-su được ưu tiên hàng đầu với quy mô tiểu điền, phù hợp khả năng về vốn, lao động của từng hộ nông dân.
Thực tế đã chứng minh đây là chủ trương đúng, phù hợp sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng chung của huyện Tánh Linh và cả vùng phía nam Bình Thuận. Cây cao-su đã giúp nhiều hộ dân ở Đức Phú thật sự 'đổi đời', cả những trường hợp không hẳn là nhà nông thực thụ như gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Tâm ở thôn 3. Với đồng lương của chồng là giáo viên THCS, vợ là giáo viên tiểu học, nếu không 'tranh thủ' sản xuất thêm tám sào cao-su, chưa chắc đến giờ gia đình anh Tâm đã mua được đất, xây nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng. Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Tâm phấn khởi cho biết: 'Năm 2010, mủ cao-su được giá, với tám sào, gia đình tôi thu lãi ròng hơn 50 triệu đồng. Nhờ đó, đã sắm thêm máy giặt, ti-vi và một số tiện nghi sinh hoạt khác'.
Hiện tại, toàn xã Đức Phú có khoảng 400 hộ trồng cao-su với quy mô phổ biến từ 3 đến 4 ha/hộ. Với lãi ròng hằng năm do cao-su mang lại khoảng 60 triệu đồng/ha, đời sống chung của bà con ở Đức Phú được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả, sung túc. Nếu năm năm trước, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là hơn 13%, thì đến cuối năm 2010 chỉ còn 2,47%. Xã cũng đã cơ bản xóa xong nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Kinh tế hằng năm tăng trưởng mạnh, kết cấu hạ tầng được Nhà nước đầu tư bảo đảm phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân địa phương, đã làm cho bộ mặt vùng quê mới Đức Phú từng ngày thêm khởi sắc. Hằng năm, cả năm thôn của xã đều đạt danh hiệu thôn văn hóa. Tình làng nghĩa xóm được vun đắp ngày thêm nồng ấm bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Toàn bộ số hộ đồng bào Cơ Ho ở Tà Pứa đã có điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt hằng ngày… Theo đồng chí Phạm Ngọc Chính, Bí thư Huyện ủy Tánh Linh, năm 2010 cũng là năm mà công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Đức Phú có thêm nhiều 'điểm son' đáng trân trọng. Phân loại trong năm, 12/12 chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh; 114/136 đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 11 đồng chí đạt loại xuất sắc.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2010, Đảng bộ xã Đức Phú được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận công nhận, khen thưởng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh và là năm thứ tư liên tiếp ( từ năm 2007 đến 2010 ) giữ vững danh hiệu này. Trước đó, từ năm 1994 đến năm 2000, Đảng bộ xã Đức Phú liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cấp huyện và từ năm 2001 đến 2005, là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh…
Từ cơ sở đảng yếu kém, Đảng bộ xã Đức Phú đã vươn lên trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận nhiều năm liền, vậy đâu là ' bí quyết' ? Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Quang Vinh, yếu tố quyết định là phải giữ vững sự đoàn kết, thống nhất thật sự trong từng chi ủy, đảng ủy và trong toàn đảng viên của Đảng bộ. Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện vấn đề nào, dù nhỏ, nhưng ảnh hưởng đến sự nhất trí, đoàn kết trong nội bộ, phải tập trung xử lý ráo rốt, hợp tình, hợp lý.
Qua thực tế, Đảng ủy xã Đức Phú cũng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm quý. Trước hết, sau mỗi kỳ đại hội, chi bộ, đảng bộ phải dành thời gian xây dựng quy chế chặt chẽ, khoa học, sát với thực tiễn và có tính khả thi cao. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tránh nói suông, nghị quyết đã đưa ra vấn đề gì phải tập trung thực hiện cho bằng được. Đồng chí Trần Quang Vinh cho biết thêm: Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nơi nào khó khăn, Đảng ủy phân công cụ thể từng đồng chí Đảng ủy viên về cùng sinh hoạt, tháo gỡ. Những nơi có vấn đề nhạy cảm, có khả năng phát sinh mất đoàn kết nội bộ, thì Thường vụ Đảng ủy phải trực tiếp đến sinh hoạt, xử lý. Theo quy chế của Đảng ủy xã, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Đảng ủy viên, ít nhất trong một quý phải trực tiếp dự sinh hoạt một lần tại chi bộ được phân công phụ trách.
ĐỂ tiếp tục đưa kinh tế địa phương phát triển, nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Đức Phú nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: Tiếp tục bố trí cây trồng một cách hợp lý, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao; quyết tâm giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu của tỉnh, không có chi bộ yếu, 100% số đảng viên đủ tư cách, kết nạp thêm từ 20 đến 25 đảng viên; HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể của xã đều đạt trong sạch, vững mạnh hằng năm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()