Ðoàn Kết phân công đảng viên giúp dân xóa đói, giảm nghèo
Đoàn kết là xã thuộc vùng sâu ở huyện Yên Thủy (Hòa Bình), với điều kiện tự nhiên phát triển kinh tế không thuận lợi. Đất sản xuất nông nghiệp luôn chịu cảnh "chưa nắng đã hạn, vừa mưa đã lụt". Cuộc sống của người dân trong xã có nhiều khó khăn. Từ khi triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng bộ xã Đoàn Kết tiếp tục xác định việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt ở địa phương.Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Kết Bùi Văn Bảo cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã huy động mọi nguồn lực tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đảng ủy yêu cầu các chi bộ xóm, bản phân công đảng viên theo dõi, vận động, giúp đỡ quần chúng tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình; coi đây là một trong những nội dung để bình xét, phân loại đảng viên hằng năm. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn bà con...
Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Kết Bùi Văn Bảo cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã huy động mọi nguồn lực tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đảng ủy yêu cầu các chi bộ xóm, bản phân công đảng viên theo dõi, vận động, giúp đỡ quần chúng tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình; coi đây là một trong những nội dung để bình xét, phân loại đảng viên hằng năm. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn bà con trong xã đã trồng được gần 500 ha rừng sản xuất. Trên những cánh rừng chưa kịp khép tán bà con trồng xen các loại rau màu ngắn ngày như sắn, rau, đậu, ngô. Với cách làm này, người dân ở xã Đoàn Kết không chỉ lo đủ cái ăn trong 'tháng ba, ngày tám' mà còn khắc phục được tình trạng chặt phá rừng tràn lan như trước đây. Bên cạnh đó, hơn 100 ha đất trồng lúa cũng được gieo cấy bằng các giống lúa mới cho năng suất cao gấp đôi so các giống lúa truyền thống. Kết quả này ghi nhận sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Họ phải đi từng nhà vận động bà con cấy các giống lúa mới với cam kết 'nếu năng suất thấp, hoặc mất mùa tập thể sẽ đền' rồi lên nhờ trạm khuyến nông, khuyến lâm của huyện cử cán bộ chuyên môn về hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn ngay trên ruộng của các ông trưởng xóm, bản, bí thư chi bộ. Bà Bùi Thị Kim ở xóm Yên Lợi tâm sự: 'Lúc đầu cán bộ đến nhà vận động chưa ai tin đâu, nhưng khi nhìn thấy lúa của cán bộ tốt hơn nên bà con tin rồi. Đến vụ sau, nhà nào cũng xin cán bộ cho được trồng giống lúa mới, rồi lúa 'về' đầy nhà. Ai cũng phấn khởi và cảm ơn cán bộ nhiều lắm !'.
Cùng với trồng rừng và cấy lúa, chính quyền xã còn động viên những hộ dân có điều kiện làm dịch vụ, mở nghề mới hướng làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình. Tiêu biểu là ông Lê Quang Hơn ở xóm Yên Bình, tổ chức mô hình 'đồi rừng kết hợp nuôi dê và nuôi nhím' cho thu nhập hơn 50 triệu đồng mỗi năm; hoặc gia đình đảng viên Quách Công Định, vận động 15 gia đình cùng góp vốn mua ba xe vận tải, một máy xẻ gỗ thành lập tổ hợp sản xuất dịch vụ tổng hợp để phục vụ bà con dân bản. Được biết, ở xã Đoàn Kết có khoảng 15% số hộ dân làm ăn phát đạt như gia đình hai ông Lê Quang Hơn, Quách Công Định. Điều đáng phấn khởi là phong trào làm kinh tế ở xã Đoàn Kết còn được lớp trẻ hưởng ứng tích cực. Cụ thể, Đoàn thanh niên của xã chủ động tìm bạn hàng ở tỉnh bạn rồi đứng lên thành lập tổ thêu ren cho đoàn viên, thanh niên. Hiện tổ thêu ren có gần 30 'tay kim' luôn có việc làm và thu nhập ổn định với mức 700 nghìn đồng/người/tháng. Mức thu nhập này tuy còn khiêm tốn nhưng là một cố gắng lớn của tổ chức Đoàn ở một địa phương còn nhiều khó khăn như xã Đoàn Kết.
Khi 'cái ăn' tạm ổn định, xã đã động viên bà con tự nguyện đóng góp một phần kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông và Nhà văn hóa theo phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm'. Mọi việc được bàn bạc công khai, dân chủ trước dân và giao cho các xóm, bản chủ động tổ chức triển khai dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng và sự giám sát của các tổ chức đoàn thể tại địa bàn nên đã tạo được sự đồng thuận cao. Kết quả trong ba năm (2007 – 2010), Đoàn Kết đã huy động được hơn 600 triệu đồng, hàng nghìn m2 đất để xây năm Nhà văn hóa xóm, bản; gần 10 km đường liên thôn, bản. Nhiều hộ dân đóng góp từ 1 đến 2 triệu đồng, hiến xã hàng nghìn m2 đất. Người dân Đoàn Kết còn tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông theo dự án phân lũ sông Đáy và dự án cải tạo, nâng cấp hồ Đầm Xa phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt chung của cộng đồng.
Với những cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đến nay, Đoàn Kết có 892 hộ dân với gần 3.900 nhân khẩu, đã xóa được đói; số hộ nghèo giảm còn khoảng 13% và 50% số hộ có mức sống khá trở lên; 7/11 xóm, bản đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; Trường tiểu học của xã đạt chuẩn quốc gia. Bốn năm (2006 – 2009), Đảng bộ xã Đoàn Kết liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; được Huyện ủy khen thưởng, xứng đáng với niềm tin cậy của người dân trong xã.
Theo Nhandan
Ý kiến ()