Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn (bàn đầu, bên phải) tham gia họp phiên thảo luận tại tổ
– Chiều 24/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về áp dụng thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận tại tổ thảo luận số 9 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Thừa Thiên – Huế và Phú Thọ.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Tại thảo luận tổ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp ý kiến vào 2 dự thảo nghị quyết.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu kỷ luật CBCCVC, đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành để kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng nhằm đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nội dung dự thảo Nghị quyết quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với CBCCVC là nội dung đã được quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Về bản chất, nội dung dự thảo Chính phủ trình là việc sửa đổi quy định tại Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức và sửa đổi quy định tại Điều 53 của Luật Viên chức. Như vậy, khi chúng ta muốn ban hành nghị quyết thì nghị quyết này lại là sửa các quy định của luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan trình cần phải làm rõ căn cứ pháp lý để ban hành hình thức là nghị quyết, tại sao không ban hành hình thức là luật sửa đổi của hai luật như đã đề cập.
Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đồng tình với chủ trương cần thiết phải sửa đổi nội quy vì qua 7 năm áp dụng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, về quy định thảo luận tại phiên họp toàn thể tại Khoản 4, Điều 18 quy định cho phép kéo dài thời gian họp lên không quá 60 phút, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng nguyên tắc là Quốc hội thảo luận đến khi hết ý kiến chứ không hết giờ, như vậy sẽ linh động hơn.
Về quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ tại Khoản 2, Điều 34 của dự thảo nội quy quy định việc quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ được thực hiện tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định này nhằm đảm bảo linh hoạt, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh trong toàn khoá.
Về trách nhiệm của ĐBQH, Điều 3 quy định về trường hợp ĐBQH không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp thì phải báo cáo Tổng Thư ký để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội, nếu vắng mặt từ 2 ngày trở lên, việc vắng mặt được ghi vào biên bản phiên họp. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần rà soát, cân nhắc và quy định linh hoạt, tạo điều kiện cho ĐBQH chuyên trách trong thời gian diễn ra Kỳ họp Quốc hội phải tham gia họp thường trực để chỉnh lý các dự án luật nhằm kịp thời trình thông qua.
Theo chương trình, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Ý kiến ()