Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ
– Sáng 2/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Thừa Thiên – Huế và Phú Thọ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Dự thảo luật cần đặt ra yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện thêm về quyền, nghĩa vụ của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời bổ sung điều cấm các hành vi lợi dụng chủ trương xã hội hóa để xâm hại lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc giữ nguyên đối tượng người tiêu dùng gồm cả cá nhân và tổ chức như luật hiện hành. Về trách nhiệm của Nhà nước, đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể hơn nội dung hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành một mục riêng tại Chương VI (trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) trong dự án luật. Về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương (Điều 7), đại biểu đề nghị bổ sung “người nghèo”, người chưa thành niên (dưới 18 tuổi).
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào 2 dự án luật tại phiên thảo luận tổ
Các đại biểu Lưu Bá Mạc và Chu Thị Hồng Thái thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng đóng góp các ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập trung vào một số nội dung: bổ sung thêm về xử lý trách nhiệm, hoặc trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi “thông tin người tiêu dùng bị lộ” thuộc ba hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 12 dự án luật; nên có quy định hoặc cơ chế về việc tiếp nhận thông tin qua mạng một cách linh hoạt đối với những phản ánh của người tiêu dùng bị xâm phạm;…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc và Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định về việc mã hóa, giải mã thông điệp dữ liệu khi gửi, nhận trong giao dịch điện tử; nghiên cứu, cân nhắc bổ sung quy định về việc sử dụng tài liệu điện tử (không phải là dữ liệu mở; không phải là bí mật nhà nước) khi đi công tác nước ngoài (đọc, nghiên cứu, tra cứu hoặc cung cấp); cân nhắc thống nhất dùng thuật ngữ “Chữ ký điện tử và Chữ ký số”; cân nhắc, bổ sung quy định về việc sử dụng hình ảnh chụp của căn cước công dân trong giao dịch; cân nhắc, bổ sung quy định chung về tiêu chuẩn tối thiểu xác thực bảo mật thông tin của khách hàng trong các phần mềm giao dịch ngân hàng; cần quy định cụ thể về quy trình thực hiện một số giao dịch liên quan đến các thủ tục hành chính như: đăng ký kết hôn, ly hôn, giấy khai sinh, khai tử, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Chiều cùng ngày, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Ý kiến ()