Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tình hình thực hiện Đề án 1956 tại UBND tỉnh Lạng Sơn
LSO-Chiều nay (12/4), Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Dương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tại UBND tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2017 (Đề án 1956) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tham gia buổi giám sát có đồng chí Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 tỉnh.
Đồng chí Dương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc |
Sau 7 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh tổ chức được trên 780 lớp dạy nghề cho hơn 25.600 lao động nông thôn. Các đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu việc làm. Sau đào tạo nghề, khoảng 80% lao động tìm được việc làm ổn định. Trong đó, 90% lao động được học nghề nông nghiệp biết áp dụng kiến thức, kinh nghiệm vào thực tế sản xuất.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo 1956 tỉnh đã báo cáo, giải trình và làm rõ các vấn đề Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh nêu ra như: việc phân bổ vốn thực hiện Đề án 1956; đào tạo công chức cấp xã, đối tượng thanh niên và đào tạo xuất khẩu lao động; đánh giá hiệu quả đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Thay mặt Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh, đồng chí Hồ Tiến Thiệu đề xuất 3 giải pháp để thực hiện tốt Đề án 1956 thời gian tới là: nâng cao chất lượng đào tạo; bố trí thêm giáo viên thỉnh giảng; đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí trưởng đoàn đánh giá: Thời gian qua, tỉnh cơ bản thực hiện tốt Đề án 1956. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch nguồn nhân lực; tổ chức hoạt động dự báo nhu cầu nhân lực; quan tâm thực hiện tốt cơ chế chính sách về đào tạo nghề trên địa bàn. Các đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tỉnh được đoàn tổng hợp, xem xét và trình Quốc hội.
THANH HÒA
Ý kiến ()