Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi)
Các ĐBQH thuộc Tổ thảo luận số 19 thảo luận tại tổ về dự án Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi)
– Chiều 3/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương (Tổ thảo luận số 19). Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 19; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Tổ phó Tổ thảo luận số 19 cùng điều hành cuộc thảo luận.
Theo chương trình, các ĐBQH của 3 tỉnh đã tập trung nêu ý kiến đóng góp vào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Về cơ bản, các ĐBQH cho rằng cần thiết sửa đổi 2 dự án luật này vì đây đều là lĩnh vực hoạt động mang tính rủi ro; liên quan đến thông lệ quốc tế, việc quy định rõ ràng còn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu một số ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu một số ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đối với Chính sách 1 về Hoàn thiện quy định quản lý tài nguyên tần số vô tuyến điện về cơ chế cấp phép, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh hoặc bổ sung thêm tiêu chí, điều kiện để các quy định chặt chẽ, rõ ràng, tường minh hơn. Đồng thời cân nhắc câu từ để nhằm tạo được sự kết nối thông tin giữa các quy định tại một số khoản cụ thể trong dự án Luật.
Đối với Khoản 4 Điều 20a về Cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung cụm từ “quy định tiêu chí cụ thể xác định tính hiệu quả” thay cho cụm từ “quy định hiệu quả” và điều chỉnh nội dung lại theo hướng: “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chí cụ thể xác định tính hiệu quả sử dụng băng tần, kênh tần số” để rõ ràng, dễ hiểu hơn.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng cho rằng, tại điểm a Khoản 14 dự án luật về việc sửa đổi khoản 2 Điều 45, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi cụm từ “Chủ trì, xin ý kiến của” thành “Chủ trì, phối hợp với” và sửa lại theo hướng “Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh ngoài tần số vô tuyến điện đã được phân bổ riêng thì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng quyết định”…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên thảo luận về hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam cần phù hợp với quy định của các Công ước quốc tế. Theo đại biểu cho biết, về quan hệ công – tư, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước thậm chí giao nhà tù cho khối tư nhân quản lý, nên việc tư nhân tham gia vào việc thi hành án, trong đó có tổ chức lao động là tiền lệ đã có ở quốc tế.
Đại biểu dẫn Khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đã ghi rõ “Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”. Như vậy, tính tự nguyện đã được nhấn mạnh và khẳng định tại dự thảo Nghị quyết, phù hợp với các quy định của Công ước 29 về lao động cưỡng bức và bắt buộc năm 1930 và các Công ước Quốc tế khác.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra nên tham vấn thêm ý kiến của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hà Nội; phạm vi thí điểm chỉ nên giới hạn ở lĩnh vực sản xuất trong nước, mẫu thí điểm chỉ nên thu gọn ở 10% số trại giam, và thời gian thí điểm nên là 3 năm.
THANH HUYỀN - ANH TUẤN
Ý kiến ()