Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
– Chiều 1/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia thảo luận tại tổ thảo luận số 9 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Nam, Thừa Thiên – Huế và Phú Thọ.
Tham gia phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Luật Hợp tác xã hiện hành từ năm 2012 đến nay đã trải qua 10 năm, quá trình thực thi đã có những đánh giá, tổng kết và cần có sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế hợp tác.
Về tên gọi, đồng chí đồng tình với phương án 2 trong tờ trình của Chính phủ, đó là vẫn dùng tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vì điều này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật điều chỉnh và pháp lệnh trong năm 2023. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay; đối với mô hình tổ chức, cần quy định rõ từ tổ hợp tác đến hợp tác, liên minh hợp tác hoặc liên đoàn hợp tác, qua đó làm rõ thêm nội dung, phạm vi trách nhiệm cũng như tính hiệu quả trong quá trình thực hiện. Cùng đó, cần bổ sung nội dung về kiểm toán, quỹ hợp tác.
Đối với Luật Phòng thủ dân sự, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm một số cụm từ, câu từ, nội dung, nhất là trong phần giải thích từ ngữ nhằm đảm bảo tính thống nhất, dễ hiểu và phân biệt trong thực tế.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng thủ dân sự tại thảo luận tổ
Tại tổ thảo luận, các đại biểu Phạm Trọng Nghĩa và Lưu Bá Mạc thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng đóng góp các ý kiến vào 2 dự án luật trên, tập trung vào một số nội dung về: tên gọi, chính sách của nhà nước, tín dụng nội bộ, huy động vốn và các khoản trợ cấp, hỗ trợ; kiểm toán đối với hợp tác xã (dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi); bổ sung trách nhiệm, phân công cho các bộ, ngành, địa phương một cách phù hợp vào Chương VI trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự từ Điều 48 đến Điều 69; bổ sung nội dung về hoàn thiện mạng lưới và các hoạt động quan trắc, cảnh bảo phóng xạ môi trường quốc gia và địa phương, trong đó tăng cường sự kết nối, đồng bộ dữ liệu quan trắc với cơ quan quân sự có liên quan (dự án Luật Phòng thủ dân sự);…
Buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu ý kiến đóng góp vào dự án luật này.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến vào dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở hội trường buổi sáng 1/11
Đại biểu đề nghị báo cáo tổng kết về thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền hiện hành cần phải đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền của nước ta hiện nay, phân tích các hình thức, quy mô, lĩnh vực rửa tiền… Về khái niệm rửa tiền, đại biểu nêu rõ, nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự thì phải quy định trong Bộ luật Hình sự, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự. Đối với định nghĩa về tài sản, đại biểu đề nghị cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng…
Ý kiến ()