Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ, góp ý vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến bổ sung vào báo cáo tình hình KTXH tại tổ thảo luận số 19
– Sáng 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, các đại biểu chia tổ thảo luận. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn thuộc tổ thảo luận số 19 với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và Đoàn ĐBQH Bình Dương.
Tại tổ, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này.
Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến bổ sung vào báo cáo tình hình KTXH, trong đó đồng chí nhất trí với những đánh giá về kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế, nhiệm vụ và giải pháp triển khai kế hoạch phát triển KTXH năm 2000, như trong báo cáo đã đề cập. Đồng thời nêu một số kiến nghị đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Cụ thể, trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, đồng chí kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu điều chỉnh Luật Đầu tư công 2019 theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương trong thực hiện phân bổ vốn ngân sách trung ương. Từ đó, nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giao bổ sung biên chế hành chính, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp y tế để bảo đảm đủ định mức số lượng người làm việc theo quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời xem xét, nghiên cứu tích hợp đồng nhất các bộ tiêu chí miền núi, vùng cao; tiêu chí xác định đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn và tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển thành một bộ tiêu chí chung, đảm bảo tính khoa học, đơn giản, sát với thực tiễn để áp dụng với địa bàn các đơn vị hành chính cấp xã, các thôn, tổ dân phố nhằm thuận lợi trong công tác rà soát, tổng hợp, thẩm định và phê duyệt. Thực hiện tổng kết, nghiên cứu tích hợp hệ thống chính sách hiện hành cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, lồng ghép các chính sách nhỏ và hỗ trợ trực tiếp vào các chương trình, chính sách lớn; tập trung và bảo đảm nguồn lực, khắc phục phân tán, chồng chéo, kém hiệu quả. Ban hành tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi bảo đảm khách quan, khoa học, hợp lý làm cơ sở hoạch định chính sách dân tộc.
Đối với vấn đề cửa khẩu, đường tuần tra biên giới, đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tại các cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; rà soát, đầu tư nâng cấp hệ thống đường tuần tra biên giới, xác định rõ đường biên mốc giới, thuận lợi cho cả đôi bên trong công tác quản lý đường tuần tra biên giới.
ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại cuộc họp thảo luận tại tổ
Cùng với ý kiến của đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, các ĐBQH của tỉnh cũng nêu ý kiến, tập trung vào các nội dung: đề nghị Chính phủ giải trình việc thực hiện, hướng dẫn chi tiết về Chương trình Sóng và máy tính cho em; cần có cơ chế riêng, sửa đổi luật tài nguyên theo hướng cho phép cá nhân, hộ gia đình được san lấp, hạ độ cao để làm nhà theo nhu cầu cá nhân, nhất là khu vực miền núi; cần có tiêu chí thống nhất thống kê đất lâm nghiệp như đất có rừng, chưa có rừng…
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.
Ý kiến ()