Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại thành phố Lạng Sơn
Đồng chí Triệu Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
– Chiều 7/2, đồng chí Triệu Quang Huy, Ủy viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Phó Trưởng đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát chuyên đề đối với Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố Lạng Sơn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố Lạng Sơn, thành phố đã triển khai đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật của các cấp về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ động chuẩn bị các điều kiện, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương.
Nhờ đó, sau 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THCS và 2 năm đối với cấp tiểu học, việc giảng dạy, học tập theo chương trình đã ổn định và đi vào nền nếp; học sinh được phát huy theo năng lực, nguyện vọng, sở thích; giáo viên dần thích ứng với sự đổi mới, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Kết thúc năm học 2021 – 2022, đối với học sinh khối lớp 6, có 98,6% học sinh đạt kết quả học tập từ mức đạt trở lên và 100% học sinh đạt về kết quả rèn luyện. Đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 có 99,1% học sinh được xếp loại từ hoàn thành trở lên đối với môn tiếng Việt; 99,4% học sinh xếp loại hoàn thành trở lên đối với môn toán.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế như: một số giáo viên còn hạn chế về năng lực, chuyên môn; vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Đề án dạy và học ngoại ngữ đạt kết quả chưa cao; một số trường mầm non, tiểu học khu vực nội thành học sinh đông, vượt quá quy định, ảnh hưởng đến việc duy trì, công nhận lại trường chuẩn quốc gia…
Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố kiến nghị: Chính phủ có văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tiền lương như tăng lương định kỳ đối với giáo viên hợp đồng lao động ở các cấp học; Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung thêm chuyên ngành đào tạo tại các trường Sư phạm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận toàn bộ chương trình môn học; UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất, hỗ trợ kinh phí đảm bảo nguồn kinh phí xây dựng trường học, đầu tư cơ sở vật chất; Sở giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để đảm bảo điều kiện thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Thành viên đoàn giám sát trao đổi tại buổi giám sát
Tại buổi giám sát, sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ thêm một số nội dung: công tác phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; công tác biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương; việc đấu thầu, cung cấp sách giáo khoa; đảm bảo chất lượng dạy học chương trình mới ở các nhà trường…
Qua nghe các ý kiến trao đổi, đồng chí Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố trong việc triển khai, thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Đồng chí nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo thành phố cần tiếp tục bám sát và tham mưu cho UBND thành phố về triển khai các văn bản, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về các nội dung liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục tìm giải pháp, khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả các nghị quyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; tiếp tục rà soát, đầu tư có hiệu quả cơ sở vật chất giáo dục; bố trí đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các nhà trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp chuyển các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Trước đó, sáng 7/2, Đoàn giám sát đã khảo sát trực tiếp tại Trường THCS Vĩnh Trại và Trường Tiểu học Chi Lăng về thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51. Qua khảo sát, các trường đã tích cực triển khai chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo quy định; việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng yêu cầu cả về chương trình và chất lượng dạy học.
Đại diện Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục thành phố báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết
HOÀNG TÙNG - THU HIỀN
Ý kiến ()