Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát
– Chiều 8/2, tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn giám sát chuyên đề tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Đoàn Thu Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh.
Theo báo cáo, thời gian qua thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022, Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai. Qua khảo sát đến nay, cơ cấu giáo viên theo từng cấp học cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học từng bước đáp ứng yêu cầu dạy học; việc cung ứng sách giáo khoa mới, bộ tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, lớp 6, 7 và lớp 10 được triển khai kịp thời; 100% các trường học đảm bảo tiến độ, kế hoạch giáo dục nhà trường
Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị quyết vẫn còn một số khó khăn, do điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường, điểm trường còn thiếu, chưa có phòng học bộ môn, phòng chức năng; thiếu giáo viên và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ chưa thực sự cân đối; về chất lượng sách giáo khoa, cấu trúc bộ sách, ngữ liệu trong sách có sự khác nhau, một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh Lạng Sơn.
Tại buổi giám sát, Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh có một số đề xuất, kiến nghị: Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các trường phổ thông ngoài công lập; quan tâm chế độ tiền lương đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được nguồn kinh phí xây dựng trường, lớp học; giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục theo định mức quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hệ thống trường phổ thông có nhiều cấp học về thực hiện các hoạt động, chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên…
Qua nghe báo cáo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung liên quan đến việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, luân chuyển giáo viên; công tác đấu thầu, lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa và chất lượng sách giáo khoa; công tác tổ chức biên soạn, thẩm định bộ tài liệu giáo dục địa phương; việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục;…
Đồng chí Đoàn Thu Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ thêm một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm về công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và kinh phí thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đối với những khó khăn, vướng mắc được nêu, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan từng bước khắc phục.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đổi mới giáo dục đào tạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác đổi mới giáo dục; làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các đề án đầu tư cơ sở vật chất; rà soát nhu cầu về đội ngũ để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung hiệu quả cho từng đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục, công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;…
Đối với các đề xuất, kiến nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.
Trong chương trình, buổi sáng cùng ngày Đoàn Giám sát đã khảo sát trực tiếp tại Trường THPT chuyên Chu Văn An, về một số nội dung trong thực hiện, triển khai công tác đổi mới giáo dục của nhà trường như: Việc triển khai công tác bồi dưỡng, phân công giáo viên dạy học chương trình, sách giáo khoa mới lớp 10; đánh giá chất lượng sách giáo khoa giáo dục phổ thông và việc xây dựng tài liệu giáo dục địa phương; các điều kiện đảm bảo triển khai chương trình mới của nhà trường… Qua khảo sát, hiện các điều kiện phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới của nhà trường cơ bản đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục theo quy định.
Ý kiến ()