Ngày 13-7, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội (QH) Việt Nam do Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Nghị viện châu Âu (EP) tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ).
Trong cuộc tiếp Đoàn, Phó Chủ tịch EP X.Lam-bri-ni-đi nhấn mạnh, đây là chuyến thăm quan trọng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam đã và đang phát triển tốt đẹp; khẳng định EU cũng như EP hiện nay rất quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, cụ thể là thúc đẩy việc ký kết Hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) với tư cách là hiệp định khung tạo khuôn khổ phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ: Chuyến thăm của Đoàn nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tích cực giữa QH Việt Nam và EP, trong bối cảnh Việt Nam và EU kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao (1990-2010) và quan hệ Việt Nam – EU đang đứng trước những cơ hội phát triển tốt đẹp. Phó Chủ tịch QH đã thông báo tình hình Việt Nam, nhất là chính sách, các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, những đổi mới trong hoạt động QH ở Việt Nam theo hướng dân chủ hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng đầy đủ hơn ý chí và nguyện vọng của người dân Việt Nam. Đồng thời khẳng định mong muốn của Việt Nam trong quan hệ với EU là “xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện và lâu dài vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới”.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao sự giúp đỡ của EU dành cho Việt Nam, nhất là cam kết ODA trị giá 144 triệu ơ-rô cho giai đoạn 2011 – 2013; khẳng định PCA có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ Việt Nam – EU, mong muốn hai bên có thể kết thúc đàm phán và sớm ký kết PCA; cảm ơn EU vừa thông qua biện pháp hủy bỏ thuế chống phá giá đối với mặt hàng xe đạp của Việt Nam bán sang EU và mong muốn EU hành động theo hướng tương tự đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ mong muốn EP, với tư cách là cơ quan quyền lực cao trong EU, quan tâm và có thêm những hành động cụ thể, có hiệu quả để tăng cường sự hiểu biết về tình hình thực tế Việt Nam, những thành tựu, thành quả cũng như những nỗ lực của Việt Nam trên các lĩnh vực, trong đó có việc tôn trọng quyền con người mà Việt Nam đã và đang đạt được. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng mời Phó Chủ tịch EP X.Lam-bri-ni-đi thăm Việt Nam vào dịp gần nhất và ngài Lam-bri-ni-đi đã vui vẻ nhận lời.
Trong chuyến thăm EP, Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam cũng đã có cuộc làm việc với ông N.Noi-dơ, Phụ trách Ủy ban Hỗ trợ cho Việt Nam, và với Nhóm Nghị sĩ EP quan hệ với Đông-Nam Á và ASEAN. Tại các cuộc tiếp xúc, các đại biểu cấp cao EP khẳng định, EP sẽ nỗ lực để hoàn tất đàm phán với Việt Nam về PCA giữa hai bên. Đề cập việc EU áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam nhập vào châu Âu, ông N.Noi-dơ cho rằng, hành động này đi ngược chủ trương tự do thương mại của EP và ảnh hưởng tiêu cực lực lượng lao động của Việt Nam, nhất là các lao động nữ.
Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã giải đáp những câu hỏi do các nghị sĩ EP đặt ra để tìm hiểu tình hình thực tế của Việt Nam, đồng thời cảm ơn về những nỗ lực của các nghị sĩ trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cũng như kết quả cụ thể trong việc hủy bỏ các hàng rào thuế quan làm cho quan hệ thương mại giữa hai bên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày 14-7, Đoàn tiếp tục chuyến thăm tìm hiểu tình hình tại Bỉ, trước khi tham dự Hội nghị cấp cao Liên minh nghị viện thế giới (IPU) tại Thụy Sĩ.
* Từ ngày 12 đến 15-7, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, dẫn đầu đoàn lãnh đạo nữ cấp cao nước ta thăm và làm việc tại Thụy Điển, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển trong giai đoạn mới và trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách, thực hiện bình đẳng giới. Tham gia đoàn có các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Y Vêng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, cùng lãnh đạo nữ của một số bộ, ban, ngành.
Tại Thụy Điển, đoàn đã làm việc với lãnh đạo QH, Liên minh đảng cầm quyền, nhiều chuyên gia cao cấp các bộ ngành nước này như Bộ Ngoại giao, Bộ Hội nhập và Bình đẳng giới, Cơ quan thanh tra thực hiện các quyền bình đẳng, Ủy ban Thị trường lao động của QH, Quỹ Phát triển phụ nữ của LHQ và giới truyền thông.
Các lãnh đạo Thụy Điển đánh giá cao chính sách và thành tựu mà Việt Nam đạt được trong việc thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước; chia sẻ kinh nghiệm thiết thực, nhấn mạnh cần phải coi việc nâng cao năng lực cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới là nhằm góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bẳng, văn minh và phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Ý kiến ()