Đoàn công tác của UBND tỉnh làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở KH&CN báo cáo một số nội dung hoạt động với đoàn công tác. Theo đó, trong công tác quản lý khoa học, hiện tại, sở tiếp tục quản lý 24 đề tài, dự án KH&CN chuyển tiếp từ năm 2016; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục với 6 đề tài KH&CN trong đợt I năm 2017. Trong công tác rà soát, tinh giản, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sở đã xây dựng Đề án sắp lại tổ chức bộ máy, theo đó lên phương án sắp xếp lại còn 4 phòng chuyên môn (giảm 1 phòng) và 2 đơn vị trực thuộc, không thành lập mới 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở. Biên chế hành chính giữ ổn định, không tăng với số lượng 39 người. Lãnh đạo Sở KH&CN cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất. Cụ thể, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho KH&CN trung bình hằng năm còn thấp, mới đạt 0,4% tổng chi ngân sách của tỉnh; việc nghiên cứu KH&CN chưa thật sự sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội; đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học còn ít; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN còn bất cập; các kết quả nghiên cứu thường ở quy mô nhỏ; việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống còn khó khăn, hạn chế.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành KH&CN trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở KH&CN cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao trong năm 2017; làm tốt công tác quản lý KH&CN; tích cực tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức, viên chức làm công tác KH&CN nâng cao tinh thần trách nhiệm, yêu ngành, yêu nghề; làm tốt việc hướng dẫn các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Cùng với đó là hướng dẫn, gợi ý tốt hơn nữa để việc nghiên cứu KH&CN sâu rộng, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực; tham mưu Ban Chỉ đạo ISO tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác ISO trên địa bàn. Trong công tác nghiên cứu KH&CN, Sở KH&CN cùng các sở, ban, ngành cần đổi mới tư duy để gợi ý, đề xuất, tham mưu, phối hợp tốt hơn nữa nhằm có thêm nhiều đề tài KH&CN gắn với thực tiễn, có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống, để KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy để phát triển thành các vùng kinh tế có quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Trong nghiên cứu, ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu KH gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cần đánh giá, phối hợp và có chương trình cụ thể, sát thực tiễn hơn nữa; tập trung vào thực hiện tại 5 xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Ý kiến ()