Ðoàn công tác của Chính phủ vào miền trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa, lũ tại miền trung
* Các tỉnh Bắc Bộ trời lạnh, vùng biển đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh
* Các tỉnh Bắc Bộ trời lạnh, vùng biển đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, vùng áp thấp nối với rãnh áp thấp, lưỡi áp cao lục địa bao phủ trên khu vực vịnh Bắc Bộ và Biển Ðông đã gây thời tiết xấu cho các khu vực này. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp không khí lạnh tăng cường nên khu vực bắc Biển Ðông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Trên đất liền, một sóng lạnh nhỏ tăng cường xuống nên thời tiết các tỉnh Bắc Bộ lạnh hơn, vùng núi có nơi xuống dưới 150C. Miền trung chỉ còn mưa nhỏ, trời nhiều mây nên lũ trên các sông sẽ giảm xuống báo động 1.
Sáng 19-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã đến các tỉnh miền trung, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; kiểm tra các mặt công tác vận hành điều tiết nước, bảo đảm an toàn các vùng hạ du. Ðoàn đã tới các công trình đường, đê xung yếu, các công trình thủy lợi trên địa bàn để xem xét, kiểm tra công tác vận hành, chức năng phòng ngừa, điều tiết và chống chọi với mưa lũ. Tại cuộc họp trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Ðịnh), Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm khôi phục sớm đời sống, sản xuất của nhân dân. Cán bộ bám sát địa bàn, khẩn trương hỗ trợ không để người dân nào bị đói, bị rét trong thời gian sau mưa lũ. Ðối với các nhà dân bị sập, đổ, sớm tổ chức việc tạm cư, bảo đảm an toàn cho dân, sau đó tiến hành hỗ trợ xây dựng lại nhà theo chính sách, giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất. Cơ quan T.Ư hỗ trợ các cơ số thuốc để cung cấp nước sạch, chú ý các loại thuốc vệ sinh môi trường, ứng vốn để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Phó Thủ tướng cho biết, trong đợt công tác này sẽ xem xét, đánh giá kỹ việc vận hành các hồ chứa của khu vực miền trung. Hệ thống hồ chứa khu vực này thường có dung tích không lớn, trong khi địa hình lại dốc nên chống chọi kém với mưa lớn cục bộ. Kiểm tra phát hiện hồ chứa nào vận hành không đúng quy trình, làm lũ lụt vùng hạ du thì phải nghiêm khắc xử lý, kỷ luật.
Theo Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai mưa, lũ đã làm 41 người chết, năm người mất tích, 74 người bị thương. Ngoài ra, mưa, lũ còn làm 410 nhà sập, đổ, cuốn trôi, 423.573 nhà bị ngập, 1.271 nhà tốc mái, hư hỏng; 1.850 ha lúa, 2.465 ha hoa màu hư hại; 104 ha ao cá, tôm, cua bị ngập; 17 tàu, thuyền bị lật, chìm, gặp sự cố… Hiện tại các địa phương đã hết ngập úng, chính quyền cùng người dân nơi đây đang khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo và chủ động đưa nhân dân đang ở các điểm sơ tán trở về nhà an toàn; tuyệt đối không để tình trạng thiếu đói, dịch bệnh xảy ra; huy động lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ưu tiên trước mắt cho việc tập trung sửa chữa, dọn vệ sinh trường học, trạm xá bị hư hỏng, xử lý vệ sinh môi trường nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất; nghiêm cấm người dân ra sông vớt củi.
Từ ngày 19 đến 21-11, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng lũ tại các huyện: Ba Tơ, Sơn Hà, Mộ Ðức, Trà Bồng và Bình Sơn. Cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người dân với tám cơ số thuốc, tổng trị giá tiền thuốc gần 40 triệu đồng. Ðồng thời tiến hành phun thuốc diệt trùng, vệ sinh môi trường tại nhà của 300 hộ dân; khử khuẩn hơn 100 giếng nước khơi bị ngập lũ.
Tỉnh Bình Ðịnh đã xuất 2.000 thùng mì tôm cùng với số mì tôm do Ngân hàng BIDV hỗ trợ để cứu trợ cho người dân vùng bị lũ cô lập. Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức cứu trợ tại các địa phương như Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn với hơn 1.500 thùng mì tôm, 3.600 gói thực phẩm gạo sấy ăn liền, 400 thùng sữa các loại và hàng nghìn chai nước uống. Ðồng thời hỗ trợ 18 gia đình có nạn nhân bị chết do lũ (mỗi suất năm triệu đồng).
Mưa lớn kéo dài trùng với thời điểm đỉnh triều cường dâng cao đã làm ngập hàng loạt tuyến đường ở trung tâm TP Vị Thanh (Hậu Giang). Phần lớn các tuyến đường bị ngập sâu từ 20 đến 30 cm, nặng nhất là tuyến đường Võ Văn Kiệt, Trần Hưng Ðạo, đại lộ Hậu Giang… gây nhiều khó khăn cho người và phương tiện lưu thông trên đường. Ngoài ra, mưa lớn còn làm ngập hàng nghìn nhà dọc hai bờ sông kênh xáng Xà No, Cái Lớn, Lái Hiếu, Nước Trong, hàng nghìn ha lúa đông xuân vừa gieo cấy có nơi bị thiệt hại 100% diện tích.
Ðể kịp thời hỗ trợ nhân dân các tỉnh bạn khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống, TP Hà Nội trích từ Quỹ Cứu trợ của thành phố sáu tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế và Gia Lai, mỗi tỉnh một tỷ đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Nai tiếp nhận hơn 623 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai do các doanh nghiệp FDI trao tặng. Trước đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận 600 triệu đồng tiền mặt từ các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm trong tỉnh; tổ chức trao 1.200 phần quà cho bà con bị thiên tai ở bốn tỉnh Quảng Nam, Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Dự kiến, từ ngày 25 đến 30-11, Hội trao quà đợt hai tại ba tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh và Quảng Ngãi.
Thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tặng quà 400 hộ dân vùng bị lũ lụt nặng nhất tỉnh Quảng Nam 400 suất quà, trị giá mỗi suất 2,1 triệu đồng, bao gồm 1,5 triệu đồng tiền mặt và bộ dụng cụ sửa chữa nhà ở (600.000 đồng/bộ).
Ứng phó biến đổi khí hậu khu vực miền trung – Tây Nguyên
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu khu vực miền trung – Tây Nguyên: Thực trạng và giải pháp ứng phó”. Việc khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt, độ che phủ của rừng giảm, lượng khí CO2 thải vào không khí ngày càng cao… là nguyên nhân cơ bản dẫn đến biến đổi khí hậu. Nhằm ứng phó cho khu vực cần phát triển kinh tế – xã hội bền vững và tăng trưởng xanh trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và sinh kế cho người dân; nâng cao nhận thức cộng đồng… Những giải pháp được đề xuất dựa trên kết quả nghiên cứu tình hình thực tế như nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên – Huế); biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh của tỉnh Khánh Hòa; phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực ven biển miền trung…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()