Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thảo luận, góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng
Trong hai ngày 3 và 4-10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ sáu Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (khóa VIII) đã diễn ra với nội dung trọng tâm là thảo luận, góp ý vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, chủ trì.
Tại hội nghị, một trong những nội dung được nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quan tâm, góp ý vào Dự thảo các văn kiện là công tác xây dựng Đảng. Các ý kiến khẳng định, Dự thảo các văn kiện cần làm rõ những nội dung công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Cùng với đó, cần làm rõ tinh thần kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc triển khai nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, cần chú trọng sự kiểm điểm đúng và chưa đúng, được và chưa được, qua đó thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình của Đảng. Có ý kiến đề nghị: Cần chỉ rõ một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về đạo đức, bởi từ Đại hội lần thứ X, Đảng đã đặt ra vấn đề này, cho nên cần làm rõ kết quả giải quyết đến đâu. Một số đại biểu cho rằng, Đại hội XII của Đảng cần tập trung nội dung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là thách thức lớn nhất với vai trò lãnh dạo của Đảng ta.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn nêu rõ bốn nguy cơ vẫn tồn tại và có mặt diễn biến phức tạp. Một số ý kiến cho rằng, nguyên do của những nguy cơ này là hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới. Sau 30 năm đổi mới, đất nước đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, đổi mới về mặt nhà nước, về hệ thống chính trị còn chậm, chưa tương xứng với đổi mới về kinh tế. Đại hội lần này cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị để triển khai, còn những gì chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu để tìm hướng đi phù hợp.
Về nội dung đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiều ý kiến đề nghị, Dự thảo các văn kiện của Đảng cần nhấn mạnh, làm sâu sắc hơn nữa để cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy đảng, và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những động lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm chủ của nhân dân phải được tôn trọng. Pháp luật và những cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm để nhân dân được thật sự làm chủ đất nước như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Bên cạnh đó, cần thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đây không chỉ là trách nhiệm của Đảng, và Nhà nước mà còn là trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội và của toàn dân. Qua hoạt động của mình, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước bền chặt, làm cho ý Đảng gắn với lòng dân.
Liên quan lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo các văn kiện đã nêu khá đầy đủ các mặt yếu kém, hạn chế. Tuy nhiên, cần nêu rõ khâu yếu nhất là quản lý và tổ chức thực hiện. Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tăng cường trang, thiết bị nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Vì vậy, cần rà soát việc đầu tư đã đúng chỗ chưa, có dựa trên khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư không? Dự thảo các văn kiện mới chỉ quan tâm hội nhập chính trị, kinh tế trong khi đó chưa quan tâm hội nhập quốc tế về giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ.
Một số ý kiến nêu rõ, trong nhiệm kỳ mới, Đảng ta cần tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc và công tác dân tộc. Đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn và nghèo nhất nước… Một trong những nguyên nhân là việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Do vậy, trong yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận, tư duy mới về công tác dân tộc…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu đối với Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Đồng thời nhấn mạnh: Thông qua ý kiến phát biểu của các thành viên Đoàn Chủ tịch, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên cần khẩn trương tiếp thu, nghiên cứu và bổ sung những nội dung chưa được dự thảo văn kiện đề cập hoặc cần tiếp tục làm rõ hơn. Trong đó, làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng ở các mức độ khác nhau; làm rõ tính hệ thống, tính khoa học của bộ máy quản lý nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, định hướng công tác dân tộc của Đảng toàn diện hơn, sâu sắc hơn…
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nêu rõ, cần làm tốt hơn nữa việc chuyển tải ý kiến đóng góp của Mặt trận và các tổ chức thành viên tới Đảng. Trong đó, dự kiến, Mặt trận sẽ đăng ký một buổi làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng để chính thức đóng góp ý kiến của Mặt trận và các đoàn thể. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm, thảo luận chuyên đề để góp ý vào dự thảo văn kiện, như: phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập quốc tế, hun đúc hoài bão, ý chí của thế hệ trẻ; phát huy dân chủ, giám sát phản biện phòng, chống tham nhũng…
* Trước đó, sáng 3-10, Hội nghị lần thứ ba Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khóa VIII đã họp và thống nhất hiệp thương cử đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, làm Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, khóa VIII…
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()