Đoàn cán bộ Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga khảo sát cổ sinh vật tại Lạng Sơn
Thượng tá Lê Xuân Đắc bàn giao mẫu vật cổ sinh Thẩm Khuyên, Thẩm Hai cho Bảo tàng Lạng Sơn. (Ảnh: Chu Quế Ngân)
– Được sự đồng ý của UBND tỉnh Lạng Sơn và các ngành chức năng, từ ngày 22/3 đến ngày 1/4/2023, đoàn công tác của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) gồm 4 nhà khoa học Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Nga đã tới nghiên cứu, khảo sát về cổ sinh vật tại tỉnh Lạng Sơn.
Trong thời gian làm việc tại tỉnh, đoàn đã tới nghiên cứu, khảo sát thực địa tại hang Thẩm Hai (xã Tân Văn, huyện Bình Gia) và hang Thẩm Trăn (thị trấn Bình Gia). Tại đây, đoàn đã tiến hành thu mẫu trầm tích thuộc thế Pleistocen và Holocen ở các vách hang, đồng thời kết hợp xử lý mẫu trầm tích cổ sinh vật ngay tại thực địa. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tập trung nghiên cứu, phân tích nhằm xác định những nét đặc trưng cơ bản của hai hang động. Quá trình khảo sát, đoàn đã thu thập được khoảng 120 mẫu xương, răng động vật trên nền hang để phục vụ nghiên cứu.
Lạng Sơn là vùng đất có nhiều tiềm năng nghiên cứu về khảo cổ học. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã tổ chức nhiều đợt nghiên cứu, khảo sát hang động cổ sinh ở huyện Bình Gia với sự tham gia của các nhà khảo cổ học, cổ sinh vật học Liên bang Nga. Những kết quả nghiên cứu trên đây đã góp phần quan trọng trong việc bổ xung dữ liệu về đặc điểm khí hậu và tích tụ trầm tích; đặc điểm hình thái các mẫu vật cổ sinh của động vật gặm nhấm và linh trưởng tại hang Thẩm Hai, Thẩm Trăn.
Đoàn công tác nghiên cứu, khảo sát tại hang Thẩm Hai. (Ảnh: Nguyễn Thế Vĩnh)
Trong đợt công tác này, thay mặt lãnh đạo Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, Thượng tá Lê Xuân Đắc, trưởng đoàn công tác bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn 40 mẫu vật cổ sinh thu được trong quá trình khảo sát hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai năm 2022 sau khi đã hoàn thành nghiên cứu. Số mẫu vật này bao gồm xương, răng của các loài động vật cổ sinh như: voi châu Á, tê giác Sumatra, mang Ấn Độ, hươu Samba, nhím Malayxia, hổ, khỉ đuôi lợn, lợn rừng… Đây là những tiêu bản quý góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày của Bảo tàng tỉnh, đồng thời minh chứng cho sự hình thành và phát triển của vùng đất Lạng Sơn thời kỳ cổ sinh.
CHU QUẾ NGÂN
Ý kiến ()