Ðô thị - hạt nhân tạo đột phá lớn trong phát triển
Sau 30 năm thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới của Ðảng, kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều khởi sắc, trong đó hệ thống đô thị Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Phát triển đô thị từng bước được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, đã và đang mở rộng dọc theo các hành lang kinh tế - kỹ thuật quốc gia, quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển bền vững, đô thị Việt Nam vẫn còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi tiếp tục đổi mới toàn diện.
Phát triển đô thị bền vững – yếu tố trọng tâm
Ðến nay, cả nước có 770 đô thị, từ đô thị loại đặc biệt đến đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,47%. Các đô thị mới phát triển mạnh, góp phần tạo nên các thị trường và quỹ nhà đô thị, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Diện mạo, cảnh quan, kiến trúc đô thị được cải thiện khang trang; tài chính đô thị ngày càng đa dạng. Các nguồn thu và chi phí đầu tư không ngừng tăng, góp phần tạo nên các thị trường tài chính, kinh tế; các chuỗi giá trị sản phẩm từ các đô thị, góp phần lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện hiện đại, đồng bộ, các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như cấp nước, thu gom và xử lý rác thải, cung cấp điện chiếu sáng, cây xanh đô thị, môi trường sống, các dịch vụ thông tin, kỹ thuật, dịch vụ xã hội ngày càng tiến bộ phát triển mạnh mẽ, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân,…
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song quá trình phát triển đô thị của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. GDP của các đô thị Việt Nam còn thấp và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các đô thị. Quy hoạch đô thị, định hướng và phân kỳ đầu tư phát triển còn bất cập, chưa coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Năng lực quản lý của chính quyền đô thị còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu của thực tế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị chưa đồng bộ và yếu kém,…
Ðô thị hóa là yếu tố trung tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh trong 10 đến 15 năm tới. Dự kiến đến năm 2025, khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị. Do đó, đòi hỏi Việt Nam phải sớm nhìn nhận và hoạch định các chính sách để phát huy được vai trò của đô thị, đồng thời hạn chế những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển.
Ðịnh hướng xây dựng các chính sách phát triển đô thị đặt ra một số nhiệm vụ. Xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đô thị phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước trong từng giai đoạn. Việc xây dựng, phát triển đô thị phải đi liền các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch phát triển đô thị. Theo đó, cần triển khai luật hóa các chính sách phát triển đô thị gắn với các Luật đã được ban hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong các chính sách, quy định về quản lý và phát triển đô thị, đồng thời tạo điều kiện phát triển đô thị bền vững. Bên cạnh đó, cần bổ sung các văn bản pháp luật quản lý đô thị và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng các chính sách đặc thù để quản lý phát triển đô thị ở các thành phố lớn.
Vấn đề quan tâm hiện nay là cần cải cách quy trình và cơ quan lập quy hoạch để bảo đảm các đô thị ở Việt Nam tiếp tục đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân, vừa mang chức năng trung tâm tạo vùng, vừa là hạt nhân, tạo sự đột phá lớn trong phát triển vùng và cả nước. Hình thành bộ mặt kiến trúc, góp phần tạo nên hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh tương xứng với tầm vóc đất nước của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ trọng tâm là kế thừa, bảo vệ, tôn tạo, giữ gìn các di sản văn hóa, lịch sử và các công trình kiến trúc có giá trị, phát triển nền văn hóa kiến trúc đô thị mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên phát triển hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị trên cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm, tạo tiền đề hình thành, phát triển các đô thị và đô thị hóa nông thôn.
Hài hòa khu vực đô thị và nông thôn
Một nhiệm vụ quan trọng khác cần được xác định trong định hướng các chính sách phát triển đô thị là hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, tạo điều kiện rút ngắn khoảng cách hai khu vực này. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung các nguồn lực (ODA, ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa…) đầu tư phát triển các đô thị có tiềm năng, từng bước tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội vùng, khu kinh tế, giảm áp lực tăng dân số cơ học vào các đô thị lớn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển đô thị ven biển để chúng trở thành điểm tựa phát triển kinh tế biển và kinh tế hướng ngoại; cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị trong các vùng du lịch trọng điểm thành điểm tựa cho phát triển ngành du lịch có quy mô ngày càng tương xứng với tiềm năng… Chiến lược phát triển đô thị phải tăng cường khả năng kết nối giữa các đô thị, bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, kiến trúc cảnh quan, gắn với an ninh quốc phòng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tạo môi trường sống tốt cho cư dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo diện mạo xã hội đồng đều hơn giữa đô thị và nông thôn, tiến tới xóa dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn khi đất nước tiếp tục đô thị hóa.
Kết hợp quy hoạch tạo vùng sản xuất nông nghiệp hợp lý theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, các khu đô thị sinh thái. Phát triển các thị trấn, thị tứ thành điểm tựa có tính lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, hạn chế việc di dân từ nông thôn vào thành thị, khuyến khích nông dân rời ruộng không rời làng.
Bên cạnh những nhiệm vụ nêu trên, định hướng các chính sách phát triển đô thị cần đặt ra một số nhiệm vụ khác như xây dựng phát triển đô thị gắn với việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời kế thừa những giá trị văn hóa di sản của Việt Nam; phân cấp xây dựng ban hành các chính sách phát triển đô thị và xử lý các vi phạm chính sách phát triển đô thị; xây dựng tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực chính quyền đô thị, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đô thị; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và hiện đại hóa đô thị, phát triển đô thị phải gắn với tiến trình CNH, HÐH và bảo vệ môi trường… Việt Nam cần hướng đến xây dựng chính quyền đô thị điện tử; hình thành hệ thống lưu trữ, phân tích cơ sở dữ liệu về phát triển đô thị; nghiên cứu, áp dụng các mô hình phát triển đô thị ở các nước phát triển trên thế giới vào thực tiễn các vùng miền ở Việt Nam như đô thị sinh thái – Eco City, đô thị kinh tế sinh thái – Eco2 City, đô thị thông minh – Smart City,… Ngoài ra, hình thành hệ thống quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng nguồn thu và phương thức thu, xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn theo hướng khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài Nhà nước, đồng thời đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất đô thị để tạo thêm nguồn lực phát triển đô thị.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()