Đổ rác thải công nghiệp ra môi trường “Báo động đỏ”
(LSO) – Thay vì ký hợp đồng xử lý rác thải công nghiệp (RTCN) với đơn vị có chức năng xử lý rác, nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở một số khu công nghiệp như: Quế Võ, Đại Đồng của tỉnh Bắc Ninh đã thuê người, thuê xe chở một số loại RTCN đến khu vực đồi núi, sông suối của tỉnh Lạng Sơn để đổ nhằm giảm chi phí. Hành vi này đã và đang gây ô nhiễm môi trường.
Phát hiện nhiều vụ đổ lén RTCN ra môi trường
Từ cuối tháng 4/2018 đến nay, Công an huyện Hữu Lũng và Phòng Cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh phát hiện, xử lý 4 vụ đổ chất thải công nghiệp ra ngoài môi trường. Vụ việc gần nhất là ngày 10/9, Công an huyện Hữu Lũng phát hiện tại rìa tỉnh lộ 242, thuộc thôn Liên Phương và thôn Làng Cả, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng có 2 đống chất thải công nghiệp do các đối tượng vận chuyển từ tỉnh khác qua đổ. Qua điều tra, đó đều là chất thải công nghiệp may mặc, có tổng trọng lượng 2 tấn, nguồn gốc chất thải từ những nhà máy sản xuất công nghiệp ở Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Vụ đổ thải tại địa bàn giáp ranh thuộc xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng bị lực lượng công an phát hiện
Thượng úy Lý Đức Thọ, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra kinh tế – ma túy, Công an huyện Hữu Lũng cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, PC49 và công an huyện đã phát hiện 4 vụ các đối tượng đổ hoặc tổ chức chôn lấp chất thải công nghiệp tại địa bàn giáp ranh giữa tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Hầu hết các vụ việc đều do một số lái xe chở hàng là người địa bàn Hữu Lũng sau khi chở hàng đến khu công nghiệp quay về đã được một số công ty sản xuất công nghiệp thuê chở chất thải đi đổ. Như vụ việc được phát hiện vào ngày 14/6, nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân, công an huyện phát hiện đối tượng Lưu Cẩm Phúc (sinh năm 1984, trú tại thôn Rừng Dong, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng) đang đổ, chôn hơn 8 tấn chất thải công nghiệp ngay tại bãi đất thuộc địa bàn thôn Rừng Dong.
Trao đổi với Công an huyện Hữu Lũng được biết: Trong 4 vụ đổ chất thải tại địa bàn giáp ranh đều là chất thải công nghiệp như: cao su, vải vụn, nước thải công nghiệp… Những công ty sản xuất công nghiệp đã thuê lái xe chở chất thải đến những địa bàn đồi, núi, sông suối vắng người để đổ thải hoặc chôn lấp.
Qua điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến việc này là do để giảm chi phí, các công ty không mang chất thải đến những đơn vị xử lý theo đúng quy định mà thuê lái xe và một số người dân nắm rõ địa bàn để chở và đổ chất thải công nghiệp cho họ. Theo lý giải của thượng tá Hoàng Văn Nguyên, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, chi phí để xử lý 1 tấn chất thải công nghiệp tại những đơn vị xử lý theo đúng quy định là từ 20 – 30 triệu đồng (tùy từng loại chất thải). Trong khi đó, chi phí thuê chở và đổ 1 xe chất thải công nghiệp (từ 4 – 8 tấn) từ các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến địa phận huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) chỉ 6 triệu đồng.
Có thể thấy, chi phí sẽ tăng do phải vận chuyển về đơn vị xử lý, trong khi đó, việc đổ chất thải ra môi trường rất dễ, giảm được chi phí rất nhiều. Bên cạnh đó, do sự kiểm soát chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng tại địa bàn có khu công nghiệp với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nên các doanh nghiệp vẫn lén lút làm việc này.
Không để khu vực giáp ranh thành “hố rác công nghiệp”
Thượng tá Hoàng Văn Nguyên, Phó Trưởng phòng PC49, Công an tỉnh cho biết: Đây là năm đầu tiên xảy ra tình trạng này. Mặc dù những vụ việc đổ chất thải công nghiệp tại địa bàn giáp ranh đã bị lực lượng công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhưng nỗi lo về ô nhiễm môi trường thì vẫn chưa có những đánh giá chính thức. Rác thải trong 4 vụ việc được phát hiện đều là phế phẩm sau quá trình sản xuất công nghiệp như: vải vụn, nhựa, cao su, bao bì… Những loại chất thải này qua phân tích, xét nghiệm đều có một số chất nguy hại như: kiềm, asen, cadimi, thủy ngân, crom, xyanua…
Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10 ngày 30/10, đại tá Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về những vụ việc này. Theo đó, hiện nay, nhiều chủ nguồn thải (công ty sản xuất công nghiệp) thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường và giảm chi phí nên thường ký hợp đồng với cá nhân không có chức năng xử lý chất thải. Chất thải được chuyển đi thì chủ nguồn thải xong nhiệm vụ, không cần biết chất thải đó được đưa đi đâu và xử lý ra sao. Trong khi đó, hiện chưa có chế tài để buộc chủ nguồn thải chịu trách nhiệm đến cùng với số lượng chất thải do mình thải ra.
Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Sẽ không để những khu vực giáp ranh như địa bàn huyện Hữu Lũng trở thành “hố rác công nghiệp”. Theo đó, Ban Giám đốc công an tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo công an một số huyện bám sát địa bàn, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân ở những khu vực, địa bàn giáp ranh chủ động bảo vệ môi trường sống, kịp thời thông tin cho cơ quan công an ngay khi phát hiện. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các đối tượng đổ trộm chất thải.
Thượng úy Lý Đức Thọ, cán bộ trực tiếp xử lý những vụ việc đổ chất thải công nghiệp trên địa bàn huyện Hữu Lũng cho rằng: Chế tài xử phạt trong lĩnh vực này hiện vẫn còn một số bất cập, hơn thế còn gây khó cho cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nghị định có quy định rõ về mức xử phạt và mức phạt cũng cao về hành vi vi phạm, nhưng lại có điểm bất cập là chất thải công nghiệp thu giữ được lại quy định là cơ quan có chức năng của nhà nước sẽ thực hiện xử lý. Trong khi đó, để xử lý được một tấn chất thải công nghiệp thì tốn kém, lại mất thời gian. |
Ý kiến ()