Thứ 5, 28/11/2024 12:38 [(GMT +7)]
Đồ chơi Trung thu: Thừa kinh dị bạo lực, thiếu tính giáo dục
Thứ 5, 20/09/2012 | 10:12:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào dịp tết Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em lại sôi động. Thế nhưng dạo quanh các chợ, đồ chơi nội ngày càng vắng bóng, trong khi đó đồ chơi ngoại không ngừng thay đổi mẫu mã, chủng loại với không ít đồ chơi thừa tính bạo lực kinh dị, thiếu tính giáo dục.
Mặt nạ ma được bày bán trong dịp Trung thu năm 2012
Khác với mọi năm, đồ chơi Trung thu chỉ được bày bán ở một vào con phố chính như đường Bắc Sơn, chợ Kỳ Lừa… thì đồ chơi năm nay sôi động từ cửa khẩu đến chợ huyện. Khi bàn về đồ chơi, ai cũng phải thừa nhận đồ chơi nội như đèn ông sao, đèn cá, đèn kéo quân, trống, cờ mang đậm tính giáo dục và ý nghĩa nhân văn. Thế nhưng những đồ chơi như vậy ngày càng ít đi vì không thể cạnh tranh với đồ chơi ngoại đủ sắc màu với giá cả phù hợp mọi túi tiền. Vì thế đồ chơi ngoại ngày càng lấn lướt hàng nội. Dạo quanh các phố bán đồ chơi, bên cạnh những đồ chơi thông thường như đèn, cờ, 12 con giáp, bóng, mặt nạ…đã xuất hiện thêm rất nhiều đồ chơi mang tính bạo lực như dao, kiếm, búa, gậy, và không ít đồ chơi kinh dị như; mặt nạ ma, quỷ, tay, đầu ma với những chiếc răng nhọn hoắt, lòe loẹt máu khiến người yếu bóng vía phải giật mình. Đáng quan tâm hơn là những đồ chơi này lại được nhiều em nhỏ đón nhận rất hào hứng nên càng ngày đồ chơi này càng đắt hàng hơn. Dừng chân trước một cửa hàng bày bán đồ chơi trung thu tại chợ Kỳ Lừa, tôi hỏi mua một chiếc đèn ông sao thì được chị bán hàng trả lời, đèn ông sao phải gần ngày rằm mới có. Và không bỏ lỡ cơ hội chị chào: “Đồ chơi ngoại bao nhiêu thứ thế này chơi hay hơn đèn ông sao nhiều, trẻ con bây giờ thích hình siêu nhân, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, kiếm phát sáng chứ nó không chơi đèn đâu”. Viện cớ cần mua đèn ông sao tôi dạo khắp chợ Kỳ Lừa, nhưng quả như lời chị bán hàng không đâu có chiếc đèn ông sao truyền thống. Tuy chưa có một thống kê nào về thị trường đồ chơi trung thu, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên 90% đồ chơi là hàng ngoại nhập. Những thứ đồ chơi đó hoàn toàn xa lạ với truyền thống và những câu chuyện về trung thu của người Việt. Đơn cử như mặt nạ ma, thường được nhiều nước sử dụng trong lễ hội hóa trang, mục tiêu của nó là càng kinh dị bao nhiêu, càng làm người ta sợ thì càng đắt, thứ ấy chơi chỉ để chơi mà không liên quan gì đến tết Trung thu vốn rất nhân văn qua những câu chuyện người Việt. Đồ chơi ấy có lẽ sẽ kích động sự hung hăng của con trẻ nhiều hơn nhu cầu giải trí thông thường. Chưa hết, thị trường đồ chơi với những Na Tra thái tử, hình bát quẻ, Tỳ ngưu, chẳng liên quan gì đến trung thu truyền thống người Việt thì được bán rất chạy. Thị trường đồ chơi còn vô khối những dao, kiếm phát sáng, bát xà mâu ngoại nhập với đủ sắc màu thực chất là một thứ đồ chơi bạo lực mà không phải bậc phụ huynh nào cũng nhận ra. Đáng ngại là đồ chơi mang tính bạo lực chiếm tỷ lệ không nhỏ. Chị Lương Thị Hoài, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng cho biết, thấy trẻ con thích gì thì mua đấy, “nó” cũng chỉ chơi vài hôm là chán thôi mà, vì thế chị chọn món đồ chơi giá rẻ là một chiếc kiếm phát sáng giá 25 ngàn đồng. Nói về thị trường đồ chơi trẻ em, Ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, mỗi dịp tết Trung thu, lực lượng quản lý thị trường đều tập trung kiểm tra thực phẩm và đồ chơi. Mục tiêu là loại bỏ đồ chơi bạo lực như súng, kiếm, và các đồ chơi nguy hiểm như bom thối, đèn trời, kẹo phát sáng. Qua đó đã bắt giữ khá nhiều vụ đồ chơi bạo lực. Thế nhưng bắt sao xuể khi các bậc phụ huynh vẫn chọn mua cho con những đồ chơi như vậy?
Đồ chơi đâu phải riêng để chơi, sau mỗi món đồ chơi ít nhiều góp phần bồi đắp nhân cách, tình cảm của con trẻ. Mong sao các cơ quan quản lý về văn hóa, thị trường cần quan tâm thanh, kiểm tra, khuyến khích sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ. Đồng thời, các phụ huynh cũng cần lựa chọn đồ chơi mang tính giáo dục cho con em mình.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()