DN xuất khẩu Việt Nam cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có diễn biến phức tạp và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được ký, Việt Nam nổi lên là nước có khả năng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh trong nước cũng sẽ ngày càng tăng cao, cùng với đó là những lo ngại sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, hàng hóa trong nước cũng sẽ diễn ra sự cạnh tranh mạnh mẽ. Các sản phẩm hàng hóa tại thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà hàng hóa Mỹ và Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhiều hơn. Cùng với đó, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng bị “soi” kỹ hơn về xuất xứ.
Minh bạch nguồn gốc xuất xứ
Theo ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), những sản phẩm thiết bị cơ khí, điện-điện tử… được cấu thành từ nhiều linh kiện khác nhau, vì thế cần chứng minh, công khai trong hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, hải quan Mỹ sẽ không chỉ xem xét chứng nhận của Việt Nam, mà cơ quan này có phương pháp kiểm tra, giám sát riêng, vì thế, DN phải Việt Nam minh bạch hồ sơ xuất nhập khẩu để không bị trừng phạt nặng nề. Nếu bị hải quan Mỹ và cơ quan bảo vệ biên giới Mỹ đưa vào danh sách đen, DN cũng khó xuất nhập khẩu hàng hóa sang những thị trường khác.
Liên quan đến EVFTA, theo các chuyên gia, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức đáng kể, nhất là DN nhỏ và vừa. Đơn cử, trong ngành dệt may, ngoài khâu vải bắt buộc phải từ Việt Nam, thì các giai đoạn khâu, may, cắt… cũng đòi hỏi phải tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có thể nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam hoặc EU, mới được thị trường EU công nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Ông Choi Dae-Kyoo, Trưởng phòng Công ty Dịch vụ đại lý hải quan Shinhan cho biết, từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia có ký FTA với EU, các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này cần chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý và đáp ứng những quy định từ EVFTA, nhất là đối với các quy định về xuất xứ hàng hóa, để tận dụng được các ưu đãi từ hiệp định.
Phát triển nội lực trong nước
Theo các chuyên gia, trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động tranh thủ lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, nhằm tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất, Việt Nam phải có các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, chứ không phải chỉ là các sản phẩm gia công, lắp ráp tại Việt Nam.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, từ trước đến nay, tái cơ cấu kinh tế thường được cho là cải cách về ngân hàng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước… Tuy nhiên, nhìn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cho thấy, cải cách nền kinh tế Việt Nam cần hướng đến vấn đề then chốt là cải cách sao cho nền kinh tế không phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mà cần dựa nhiều hơn vào nội lực.
Chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phải có sự đồng thuận của cộng đồng DN nội địa, lực lượng tiên phong “nuôi dưỡng” sức cầu trong nước và củng cố năng lực về sức cung.
Theo các chuyên gia, trong chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy DN nội địa trong nước phát triển, nhất là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()