DN vận tải được hỗ trợ trả sau khi thu phí không dừng qua các làn VETC
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ đã triển khai thu phí tự động tại 25 trạm BOT trên tuyến QL1. Đến hết năm 2018 các trạm thu phí phải thực hiện thu phí tự động không dừng.Đây là 2 trong nhiều lợi ích được bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) nêu ra trong buổi làm việc về dán thẻ thu phí tự động không dừng cho doanh nghiệp vận tải tại hai tỉnh: Bắc Giang và Bắc Ninh.
“Hiệu quả được chứng minh từ một DN vận tải cho thấy, sau khi sử dụng dịch vụ thu phí điện tử tại trạm BOT, hành trình từ Đà Nẵng về Hà Nội và ngược lại của đơn vị này đã tiết kiệm được 3 giờ đồng hồ, việc dùng hóa đơn điện tử cũng xóa bỏ được hiện tượng tài xế đánh mất vé lẻ trong quá trình nộp về đơn vị để quyết toán thuế.
Tuy vậy, việc nhận thức của một số đơn vị về hình thức này còn hạn chế, còn nhiều băn khoăn liên quan đến chính sách, cách thức tiến hành cần được giải đáp để đạt được sự đồng thuận cao”, bà Hiền nói.
Bên cạnh đó, bà Hiền cho biết một số những lợi ích khi DN vận tải chuyển từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử. Đó là, việc dán thẻ trên phương tiện sẽ hoàn toàn miễn phí, khi chủ phương tiện hoặc DN có nhu cầu, tài khoản mới được kích hoạt và tính phí; DN vận tải có số lượng đầu xe lớn thu qua VETC sẽ được ngân hàng bảo lãnh trả sau; DN vận tải có tuyến đi thường xuyên có thể được ngân hàng bảo lãnh quyết toán trong 1 tháng để thuận tiện cho việc đi lại.
Thêm nữa, để tạo điều kiện cho DN, bà Hiền cho biết hiện một DN có thể dùng một tài khoản cho nhiều đầu xe và hoàn toàn quản lý trên phần mềm. Các xe của DN chỉ cần đáp ứng yêu cầu mỗi xe có tối thiểu một tài khoản để thu phí khi đi qua các làn VETC.
“DN cũng có thể ngồi nhà mua vé tháng, vé quý thay vì việc cử cán bộ đến từng trạm BOT mua vé như bây giờ, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc rất lớn”, bà Hiền cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thu phí tụ động VETC cho biết, hình thức thu phí tự động không dừng chỉ khác với việc dùng vé giấy ở công đoạn thanh toán điện tử thay vì thu tiền mặt. VETC sẽ triển khai dán thẻ miễn phí cho 2 triệu phương tiện đầu tiên, sau đó DN tự cân đối và nạp tiền trên tinh thần tự nguyện.
“Việc triển khai tự động hóa giúp quá trình thanh toán phí của chủ phương tiện: đa kênh (ở bất kỳ đâu đều mua được vé qua trạm BOT), đa điểm (đăng ký, thanh toán tất cả các trạm BOT trên toàn quốc), đa phương tiện (có thể nạp tiền qua điện thoại)”, ông Hà nói và cho biết, một tài khoản thanh toán được cấp có thể sử dụng cho nhiều xe. Đối với những trường hợp DN có nhiều thành phần xe liên kết (xe cổ phần), VETC sẽ phối hợp làm phầm mềm quản lý riêng để việc chi trả phí BOT của DN được diễn ra thuận lợi.
Cũng theo ông Hà, sử dụng thẻ thu phí tự động, phương tiện có thể đi với tốc độ 60 – 80 km/h qua trạm BOT, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế hao mòn trên hành trình di chuyển.
Ở góc độ DN, ông Lê Quang Hưng, Công ty TNHH MTV vận tải Thăng Long cho biết, các đơn vị vận tải hoàn toàn ủng hộ chủ trương áp dụng công nghệ tạo sự minh bạch ngân sách, nâng cao chất lượng quản lý. Tuy nhiên, một số vướng mắc đang tồn tại, DN rất mong sẽ được các cấp cơ quan giải quyết sớm như: tạo điều kiện cho DN sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng để thanh toán thay vì thanh toán qua một ngân hàng duy nhất (BIDV) như hiện tại; Tính toán phương án để DN có thể tự dán lại tem, hạn chế phát sinh chi phí và thời gian đi lại khi chuyển đổi phương tiện.
Đại diện Công ty TNHH vận tải Thống Nhất cho biết, DN này đã dán 116/120 xe và nhận thấy những lợi ích rõ ràng như: thanh quyết toán hoá đơn rất nhanh, lái xe không chạy lòng vòng trốn vé, xe đi nhanh hơn tiết kiệm được thời gian vận tải… Đại diện Công ty này còn khẳng định: “Giờ có cho tôi tiền tôi cũng không quay trở lại dùng vé giấy”.
Trước đó, tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 4/6 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có lời hứa trước các đại biểu Quốc hội và nhân dân về việc: Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thu phí không dừng toàn tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vào cuối năm 2018.
“Chúng tôi xem việc thu phí tự động không dừng là giải pháp công khai minh bạch tốt nhất để người dân giám sát”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()