Định vị Việt Nam khi hội nhập sâu, rộng với khu vực và quốc tế
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học và công nghệ đã, đang khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập đó. Việt Nam học là môn khoa học liên ngành, nghiên cứu về Việt Nam thông qua các lĩnh vực của khoa học xã hội nhân văn đã có những bước tiến góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để quảng bá, phát huy giá trị Việt thì nội lực nghiên cứu ở trong nước cần phải được nâng cao hơn nữa.
“Bản sắc Việt” trong hội nhập
Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ sáu với chủ đề: “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. Hội thảo góp phần làm rõ hơn các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong quá trình hội nhập và hướng tới sự phát triển bền vững. Đồng thời, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới về một Việt Nam chủ động, sáng tạo, thành công trong phát triển kinh tế.
Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài chia sẻ các thành tựu nghiên cứu về Việt Nam, qua đó, có những kiến nghị và đề xuất giải pháp, chính sách thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững ở nước ta. Ngoài ra, các nhà khoa học đã chia sẻ, đánh giá những thành tựu đạt được trong nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học thời gian qua và chỉ ra những bất cập, hạn chế cũng như xác định đường hướng phát triển của Việt Nam.
PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chia sẻ: Điểm nổi bật nhất của hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ sáu là các nhà khoa học đã đề cập đến những nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều khía cạnh, nhiều phương diện. Ngoài những vấn đề về tư tưởng, lịch sử, ngôn ngữ, văn học, dân tộc… hội thảo còn tập trung vào mối quan hệ của Việt Nam với thế giới, đề cập toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… của nước ta từ góc độ Việt Nam học.
Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế về kho tàng văn hiến và những thành quả phát triển ngày nay. Sứ mệnh của các nhà khoa học Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn phải xuất phát từ chính thực tiễn của đất nước, tìm ra lời giải để khai phóng sức mạnh tiềm tàng, hướng đến một tương lai tươi sáng của đất nước.
Thực tế cho thấy, sự nghiên cứu về Việt Nam ngày càng lớn. Khá nhiều học giả trên thế giới tập trung nghiên cứu về nước ta ban đầu để tìm lời giải cho câu hỏi vì sao chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức. Rồi một cách tự nhiên, những nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, đất nước Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà Việt Nam học đến từ Nga, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc… Đến nay, ngày càng có nhiều nhà Việt Nam học trẻ tuổi say mê nghiên cứu tìm hiểu về Việt Nam và có những công bố xuất sắc.
PGS, TS Bùi Xuân Đính, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết thêm: Ngành “Việt Nam học” ra đời vào những năm 2001 – 2002, ở một số trường đại học và đến năm 2007 – 2008 có mặt ở 76 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Ngay từ khi ra đời, “Việt Nam học” đã được nhiều nhà khoa học ngoài nước cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài quan tâm, muốn tìm hiểu sâu. Hằng năm, các nhà nghiên cứu đó gặp gỡ để trao đổi với nhau về kết quả và định hướng nghiên cứu; dần dần hình thành ngành “Việt Nam học” ở các nước đó. Từ trao đổi ở nước mình, các nhà khoa học các nước có nhu cầu sang Việt Nam nghiên cứu thực địa, trao đổi thực tế, kinh nghiệm nghiên cứu và giới khoa học Việt Nam cũng có nhu cầu trao đổi học thuật với học giả các nước.
Phát triển ngành Việt Nam học theo định hướng khu vực
Hội thảo quốc tế Việt Nam đã qua sáu lần, với các chủ đề khác nhau, nhưng vẫn có những băn khoăn. Đây là “Hội thảo quốc tế”, nhưng số nhà khoa học từ nước ngoài còn ít. Trong hơn 400 báo cáo gửi đến được “phê duyệt”, chỉ có gần 50 báo cáo của các nhà nghiên cứu người nước ngoài và của người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Ở nhiều tiểu ban, lĩnh vực, vắng bóng những nhà khoa học tên tuổi, mà chủ yếu là các nhà nghiên cứu trẻ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học…
Mặt khác, nhiều nhà khoa học cho rằng, do quan niệm về đối tượng “Việt Nam học” rất rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn, mặc dù ban tổ chức đã cố gắng phân các báo cáo thành các chủ đề thích hợp và “loại” bỏ những báo cáo “xa” chủ đề, nhưng vẫn lọt những báo cáo vừa không phù hợp, vừa không có được các giá trị khoa học. Trong quá trình nghiên cứu và thảo luận nhiều quan điểm chưa thống nhất, nhiều vấn đề chưa có lời giải… song đây cũng là chất liệu quý báu để các nhà khoa học tìm kiếm cơ hội thảo luận sâu hơn, hiệu quả hơn.
Từ thực tế nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản trong 20 năm qua, Giáo sư Furuta Motoo, nguyên Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chỉ ra những thách thức hiện tại và triển vọng hướng tới tương lai. Theo đó cần đa dạng hóa và tiếp cận thực tế xã hội Việt Nam qua điều tra điền dã là thế mạnh của ngành Việt Nam học tại Nhật Bản hiện nay. Tuy nhiên, số lượng nhà nghiên cứu về Việt Nam học đang dần thu hẹp. Do vậy, trong tương lai, cần phát triển ngành Việt Nam học theo định hướng khu vực học để làm sáng tỏ vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và định nghĩa lại bản sắc Việt Nam.
Tham gia tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới, cần được nhận thức đúng đắn và giải quyết kịp thời, hiệu quả. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu Việt Nam học nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Để làm được điều này, những giá trị khoa học xã hội nhân văn phải được tôn trọng và khai thác đúng tầm; phải được coi là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng.
Mặt khác, các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về hệ giá trị con người Việt Nam, hệ giá trị quốc gia trong tình hình mới. Trong đó, chú ý đến những điểm mới, cách tiếp cận mới; phải quan tâm cả về mặt nhận thức, lý luận và thực tiễn, để những đề xuất liên quan chính sách phát triển văn hóa, con người thật sự đi vào cuộc sống, phù hợp thực tiễn.
Chia sẻ một số kinh nghiệm giảng dạy ngành Việt Nam học tại Trường đại học Charles, Crech, Tiến sĩ Bình Slavická cho biết, ngành Việt Nam học được coi là một trong những ngành chiến lược của Khoa Triết học, Trường đại học Charles. Nguyên tắc giảng dạy tiếng Việt ở Trường đại học Charles là: Lấy ngữ âm ngữ pháp làm trọng, kỹ năng diễn đạt nói, nghe, đọc, viết là đích.
Chương trình giảng dạy tiếng Việt dành cho ngữ âm chiếm phần lớn thời lượng. Điều đó cho thấy việc quan tâm đúng mức về ngữ âm đem lại sự tự tin nhất định cho người học. Bên cạnh đó, các hiện tượng ngữ pháp được giảng viên giới thiệu từ đơn giản đến phức tạp và minh họa bằng những thí dụ cụ thể, dễ hiểu, giúp sinh viên nắm vững nội dung của bài trước để hiểu được bài tiếp theo.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, cần nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, khoa học nhằm phát huy được tài nguyên văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Coi bản sắc và những giá trị truyền thống là gốc của sự phát triển. Cùng với đó, cần có những cách tiếp cận mới về khái niệm công nghiệp văn hóa trên cơ sở tổng kết thực tiễn. Nghiên cứu một cách bài bản, căn cơ để làm rõ nội hàm khơi dậy khát vọng phù hợp đặc điểm của Việt Nam; xác định đúng những cấu trúc, yếu tố, bài học từ quá khứ và kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()